Trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: IRNA
Tờ Politico đưa tin ngày 22-4, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt hàng loạt rào cản thuế quan đang khiến nhiều quốc gia bắt đầu xích lại gần EU để tìm kiếm đối tác thương mại ổn định. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, ngày càng có nhiều quốc gia tiếp cận Brussels như một đối tác thương mại có độ tin cậy cao, không thay đổi lập trường một cách đột ngột. Bà nhận định trong bối cảnh môi trường toàn cầu ngày càng khó đoán định, các nước đang xếp hàng để làm việc với EU.
Tình thế này mang lại lợi thế lớn cho các quốc gia có xu hướng tự do hóa thương mại trong EU, như Thụy Điển, các nước Bắc Âu và vùng Baltic - những bên vốn thường xuyên mâu thuẫn với các quốc gia bảo hộ hơn như Pháp. Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển Benjamin Dousa cho biết tại cuộc họp các Bộ trưởng Thương mại EU ở Luxembourg: "Có một cảm giác cấp bách trong nội bộ các nước thành viên rằng cần nhanh chóng mở ra những tuyến thương mại mới và ký kết các hiệp định thương mại tự do".
Ủy ban châu Âu (EC) đang tăng tốc ký kết các hiệp định thương mại. Chỉ trong vài tháng gần đây, Brussels đã kết thúc đàm phán kéo dài hàng thập kỷ với khối Mercosur, Mexico và Thụy Sĩ; đồng thời nối lại đàm phán với Malaysia và mở rộng tiếp xúc với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cam kết hoàn tất hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ trong năm nay và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - khối thương mại bao gồm nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Anh mới gia nhập gần đây. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử tại Australia vào ngày 3-5 tới có thể mở ra cơ hội tái khởi động tiến trình đàm phán sau khi hai bên thất bại vào cuối năm 2023.
Người đứng đầu bộ phận thương mại của Ủy ban châu Âu, ông Jean-Luc Demarty, cho rằng chính sách của ông Trump đang buộc các quốc gia phải tìm cách phát triển quan hệ thương mại với phần còn lại của thế giới, đồng thời thúc đẩy số lượng các hiệp định thương mại tự do tăng mạnh. Ngay cả những nước EU vốn thận trọng trong việc mở cửa thị trường như Pháp, Bỉ hay Áo cũng đang dần thay đổi quan điểm, coi các thỏa thuận thương mại không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn là đòi hỏi địa - chính trị. Một ví dụ điển hình là Pháp - quốc gia từng bác bỏ mạnh mẽ hiệp định thương mại EU - Mercosur vì lo ngại chính trị và kinh tế - nay đang lặng lẽ điều chỉnh lập trường.
Theo trang tin châu Âu Euronews.com, mặc dù khu vực đồng eur đang đối mặt với nguy cơ suy thoái vào giữa năm 2025, một báo cáo mới đã chỉ ra những lợi ích tiềm tàng mà các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể mang lại cho nền kinh tế châu Âu trong dài hạn. Trong báo cáo Báo cáo "Trump The Unifier" (Trump - Người thống nhất), công ty nghiên cứu đầu tư BCA nhận định, mặc dù châu Âu khó tránh khỏi suy thoái, nhưng sự hỗ trợ tài chính phối hợp, chính sách tiền tệ nới lỏng từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và động thái thúc đẩy hội nhập mới "sẽ làm dịu đi tác động và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn".
AN BÌNH