EU thừa nhận không thể tách khỏi công nghệ Mỹ trong chiến lược số mới

EU thừa nhận không thể tách khỏi công nghệ Mỹ trong chiến lược số mới
4 giờ trướcBài gốc
Trụ sở của Google ở California, Mỹ. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo tờ Politico, chiến lược mới dự kiến sẽ được công bố vào ngày 4/6, cho thấy Brussels đang nỗ lực điều chỉnh chính sách công nghệ trong thời kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nội dung dự thảo thừa nhận EU vẫn thiếu các ý tưởng đột phá để khôi phục vị thế trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh hợp tác xuyên Đại Tây Dương sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị công nghệ.
Chiến lược nêu rõ: “Tách rời là không thực tế và hợp tác sẽ vẫn có ý nghĩa quan trọng trên toàn bộ chuỗi giá trị công nghệ”, đồng thời liệt kê Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ là các đối tác cần duy trì hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng.
Mối lo ngại về chủ quyền công nghệ đã gia tăng sau các động thái siết chặt kiểm soát của Mỹ với dữ liệu và hạ tầng số. Chính quyền Tổng thống Trump đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với châu Âu, trong đó có các vấn đề liên quan đến quyền truy cập dữ liệu do các tập đoàn công nghệ Mỹ như Amazon, Microsoft và Google nắm giữ.
Dự thảo nhấn mạnh rằng cạnh tranh công nghệ không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là yêu cầu an ninh của bất kỳ quốc gia hay khu vực nào mong muốn có ổn định lâu dài. Tuy nhiên, trong khi kêu gọi tăng cường khả năng tự chủ, chiến lược cũng bác bỏ xu hướng bảo hộ, thay vào đó đề xuất thành lập các liên minh công nghệ chiến lược với các quốc gia cùng chí hướng, nhằm thúc đẩy nghiên cứu chung và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp châu Âu mở rộng hoạt động.
Chiến lược mới có xu hướng mang tính phòng thủ đối với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực mạng viễn thông. EU cam kết duy trì vị thế lãnh đạo trong thúc đẩy mạng 5G an toàn và đáng tin cậy trên toàn cầu - một cách gián tiếp để loại trừ các nhà cung cấp Trung Quốc như Huawei khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông của khối.
Trong những năm gần đây, Brussels và Washington đã phối hợp sử dụng các công cụ ngoại giao kỹ thuật số để khuyến khích các quốc gia thứ ba từ bỏ thiết bị của Huawei. Theo dự thảo, EU có kế hoạch mở rộng mô hình này sang lĩnh vực cáp ngầm, với mạng lưới được xây dựng cùng các quốc gia có cùng quan điểm.
Dự thảo cũng kêu gọi tăng cường đầu tư quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ then chốt như điện toán lượng tử, chip và trí tuệ nhân tạo. Đáng chú ý, chiến lược đề cập đến khả năng xây dựng các trung tâm AI bên ngoài EU nhằm mở rộng ảnh hưởng công nghệ của châu Âu. Việc phát triển năng lực sản xuất chip trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bất ổn và phụ thuộc vào Trung Quốc cũng được đưa vào danh sách ưu tiên.
Trong lĩnh vực an ninh mạng, EU đề xuất các hành động phối hợp quốc tế nhằm đối phó với các hình thức tấn công mạng mới như phần mềm tống tiền. Dự thảo nhận định rằng trong thời đại công nghệ thúc đẩy sự thay đổi địa chính trị nhanh chóng, kinh doanh truyền thống không còn là lựa chọn hiệu quả đối với châu Âu.
Tại Brussels, ý tưởng về một “Eurostack” - hệ sinh thái công nghệ độc lập của châu Âu - đang nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn từ các nhà lập pháp, trong đó có nhiều ý kiến kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào các tập đoàn công nghệ Mỹ và xây dựng năng lực nội khối một cách bền vững.
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/eu-thua-nhan-khong-the-tach-khoi-cong-nghe-my-trong-chien-luoc-so-moi-20250430150414828.htm