EU tiến sát mục tiêu khí hậu lịch sử

EU tiến sát mục tiêu khí hậu lịch sử
5 giờ trướcBài gốc
Các quan chức cho biết mức cắt giảm hiện tại ước tính vào khoảng 54%, con số vượt kỳ vọng ban đầu. Dù còn thiếu một bước nữa để hoàn thành cam kết, đây vẫn là tín hiệu tích cực, đặc biệt khi châu Âu phải đối mặt với nhiều biến động trong thời gian qua, từ đại dịch Covid -19, khủng hoảng năng lượng sau xung đột Nga - Ukraine, đến căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Thông tin tích cực này được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực cho Ủy ban châu Âu và giới hoạch định chính sách trong việc kiên định với các cam kết khí hậu, trong bối cảnh một số quốc gia thành viên và nhóm lợi ích kêu gọi điều chỉnh hoặc nới lỏng quy định. Một trong những đề xuất gây nhiều tranh luận là việc trì hoãn lệnh cấm xe sử dụng động cơ đốt trong, vốn dự kiến có hiệu lực từ năm 2035, nhằm hỗ trợ ngành ô tô châu Âu đang gặp khó trước sức ép cạnh tranh từ Mỹ và Trung Quốc.
Theo công cụ theo dõi khí thải do tổ chức nghiên cứu khí hậu Ember phát triển, phần lớn lượng khí thải giảm của EU bắt nguồn từ lĩnh vực năng lượng. Tomos Harrison, chuyên gia về chuyển đổi điện tại Ember, nhận định các quốc gia thành viên đang đi đúng lộ trình, trong đó việc phát triển điện gió và điện mặt trời đóng vai trò quyết định.
Liên minh châu Âu (EU) đang tiến gần đến mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với mức năm 1990. Ảnh: Martin Bergsma
Dữ liệu mới sẽ được công bố trước thời điểm Ủy ban châu Âu công khai kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu khí hậu năm 2040. Theo kế hoạch, khối này sẽ hướng đến cắt giảm 90% lượng khí thải nhà kính so với mức năm 1990, tiến gần hơn đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một trong những cam kết tham vọng nhất toàn cầu, và mục tiêu trung hạn 2040 sẽ được theo dõi sát sao khi các quốc gia bắt đầu gửi báo cáo cam kết khí hậu lên Liên hợp quốc trước thềm Hội nghị COP30 tại Brazil.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nước thành viên EU đều đồng thuận với lộ trình mới. Peter Liese, nghị sĩ người Đức thuộc Đảng Nhân dân châu Âu, bày tỏ lo ngại về mức cắt giảm 90%. Ông cho rằng mục tiêu này chỉ khả thi nếu kèm theo các điều chỉnh linh hoạt. Một số quốc gia như Ý và Ba Lan đã lên tiếng ủng hộ mức mục tiêu thấp hơn, trong khi Pháp cũng thể hiện sự dè dặt. Chính phủ liên minh mới của Đức cho biết họ có thể ủng hộ mục tiêu 90% nếu được tính thêm tín chỉ carbon vào tổng lượng cắt giảm.
Các ngành công nghiệp nặng, vốn đang chịu áp lực lớn từ chi phí năng lượng leo thang, cũng bày tỏ hoài nghi về bản chất của mức giảm khí thải hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng phần lớn mức sụt giảm không xuất phát từ quá trình khử carbon bền vững, mà chủ yếu do việc cắt giảm sản xuất và đóng cửa nhà máy trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Một quan chức có hiểu biết về dữ liệu cho biết lượng phát thải từ sử dụng đất đang giảm xuống mức thấp nhất, do gia tăng khai thác gỗ và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như cháy rừng diện rộng tại Nam Âu năm 2023 đã làm suy yếu khả năng hấp thụ carbon của đất. Nông nghiệp, lĩnh vực duy nhất chưa có mục tiêu phát thải riêng, cũng bị đánh giá là yếu tố khó kiểm soát trong toàn bộ lộ trình. Vị quan chức này nhấn mạnh phản ứng của nông dân trước các biện pháp môi trường của EU đã và đang gây áp lực lớn lên tiến trình xây dựng chính sách.
Đọc thêm: Harvard "lâm nạn": Mỹ cấm tuyển sinh quốc tế, Trung Quốc phản đối gay gắt
Ngành vận tải tiếp tục bị đánh giá là tụt hậu trong tiến trình giảm phát thải, theo báo cáo được Ủy ban châu Âu công bố vào tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó, trước thềm công bố dữ liệu khí hậu mới, Ủy ban hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào.
Tổ chức CAN Europe, một tổ chức phi chính phủ giám sát các cam kết khí hậu của EU, đánh giá kết quả hiện tại vẫn chưa đủ thuyết phục. Trong báo cáo mới nhất, tổ chức này cho rằng nhiều quốc gia thành viên vẫn chưa xây dựng được chính sách và hành động cụ thể đủ mạnh để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.
Tùng Lâm
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/eu-tien-sat-muc-tieu-khi-hau-lich-su.714848.html