EU từ chối dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga

EU từ chối dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga
6 giờ trướcBài gốc
Tuần trước, Mỹ đã chia sẻ với các quan chức EU các đề xuất nhằm tạo điều kiện cho một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine. Sáng kiến này được cho là đã phác thảo các điều khoản tiềm năng để chấm dứt xung đột, bao gồm việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Moscow trong trường hợp ngừng bắn lâu dài.
Tuy nhiên, Brussels “kiên quyết phản đối” yêu cầu của Nga về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của EU trước khi các cuộc đàm phán hòa bình kết thúc, Reuters trích dẫn lời các nhà ngoại giao châu Âu. Một điểm gây tranh cãi khác là đề xuất của Mỹ về việc công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, một đề xuất mà hãng tin này mô tả là “không khả thi” đối với cả EU và Kiev.
Lập trường của EU được cho là làm giảm cơ hội đạt được đột phá trong các cuộc đàm phán hòa bình, khiến các quan chức cấp cao của Mỹ bỏ lỡ cuộc họp cấp cao tại London để thảo luận về xung đột Ukraine.
Cuộc họp dự kiến có sự tham gia của các nhà ngoại giao hàng đầu từ Anh, Mỹ, Pháp, Đức và Ukraine nhưng cuối cùng đã bị hạ cấp xuống chỉ còn sự tham gia của các quan chức cấp thấp hơn.
Cả đặc phái viên Steve Witkoff và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đều không tham dự sự kiện này. Thay vào đó, phái đoàn Mỹ do Tướng Keith Kellogg dẫn đầu.
Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố EU sẽ không dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga chừng nào xung đột Ukraine còn tiếp diễn. Cũng trong tháng 3, EU đã bác bỏ yêu cầu của Nga về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Nông nghiệp Nga như một phần của sáng kiến ngừng bắn Biển Đen được thảo luận giữa Moscow và Washington. Trong các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia, Nga và Mỹ đã nhất trí hợp tác để khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, sáng kiến này sẽ bao gồm việc dỡ bỏ các hạn chế của phương Tây đối với ngân hàng nông nghiệp và các tổ chức tài chính khác.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời việc EU từ chối dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga cho thấy khối này không muốn chấm dứt xung đột Ukraine. “Nếu các nước châu Âu không muốn đi theo con đường này, điều đó có nghĩa là họ không muốn đi theo con đường hòa bình cùng với những nỗ lực đã thể hiện ở Moscow và Washington”, ông nói.
TD
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/eu-tu-choi-do-bo-lenh-trung-phat-nga-246619.htm