EU và tham vọng tự chủ nguồn cung lithium

EU và tham vọng tự chủ nguồn cung lithium
11 giờ trướcBài gốc
Lithium hydroxide là thành phần thiết yếu cho pin xe điện (EV) mật độ cao, dung lượng lớn. Ảnh: TTXVN
Tại khu công nghiệp Hochst lâu đời ở Frankfurt (Đức), lớp sơn phủ sàn cuối cùng trong nhà máy mới nhất của Vulcan Energy đã khô, đánh dấu sự sẵn sàng hoạt động. Các thiết bị hiện đại tại nhà máy này sẽ được dùng để xử lý lithium được khai thác từ độ sâu lên đến 4 km ở Thung lũng Rift Thượng Rhine nằm tại phía Tây Nam nước Đức.
Vulcan Energy đã trở thành biểu tượng cho nỗ lực tự chủ của Liên minh châu Âu (EU). Khánh thành vào tháng 11/2024, nhà máy Hochst mang sứ mệnh tối ưu hóa quy trình chuyển đổi lithium chloride thành lithium hydroxide – thành phần thiết yếu cho pin xe điện (EV) mật độ cao, dung lượng lớn. Qua đó, nhà máy này sẽ giúp EU thực hiện bước đầu tiên nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung lithium từ Trung Quốc.
Được niêm yết tại sàn chứng khoán Sydney và Frankfurt, Vulcan Energy đã bắt đầu thử nghiệm tối ưu hóa, hướng tới mục tiêu sản xuất thương mại 24.000 tấn lithium mỗi năm vào năm 2028, đủ để cung cấp pin cho 500.000 xe điện. Con số này tương đương khoảng 1/4 sản lượng xe điện hàng năm của Đức.
Đây là một bước tiến lớn đối với EU, nơi đã thông qua Đạo luật Nguyên liệu Thô Quan trọng vào năm ngoái, đặt mục tiêu đáp ứng ít nhất 10% nhu cầu lithium nội khối vào năm 2030. Hiện nay, EU hầu như không có hoạt động sản xuất lithium trong khối, chủ yếu nhập khẩu lithium thô từ Australia và Nam Mỹ.
Đức, trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu, phụ thuộc hơn 70% vào lithium carbonate từ Chile và Trung Quốc, với nguyên liệu thô chủ yếu được chế biến tại Trung Quốc. Theo Liên đoàn Công nghiệp Đức, Trung Quốc cung cấp khoảng một nửa lượng lithium nhập khẩu của nước này trong năm 2024, tăng đáng kể từ mức 18% vào năm 2014.
Ông Christian Freitag, Giám đốc Thương mại của Vulcan Energy, cho biết: “Đối với ngành công nghiệp ô tô châu Âu, chúng tôi mang lại khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, đồng thời giúp họ đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon”. Ông cho biết thêm: “Toàn bộ chuỗi giá trị của chúng tôi nằm trong bán kính chỉ 130 km, và việc khai thác nhiệt địa nhiệt trong quá trình khoan không chỉ tạo ra điện cho các nhà máy mà còn cung cấp nhiệt tái tạo cho hàng chục nghìn hộ gia đình”.
Ông Freitag tiết lộ Thung lũng Rift Thượng Rhine vẫn còn tiềm năng khai thác lớn, và Vulcan Energy đang chuẩn bị giai đoạn tiếp theo, hợp tác với tập đoàn hóa chất hàng đầu Đức BASF, nhằm tăng gấp đôi sản lượng lên 48.000 tấn mỗi năm vào đầu thập niên 2030.
Các doanh nghiệp Đức khác cũng đang nhập cuộc. Tháng 3/2024, Neptune Energy trở thành công ty đầu tiên tại Đức được cấp phép sản xuất lithium. Công ty con Esso của ExxonMobil tại Đức đã được “bật đèn xanh” vào tháng 12/2024 để thực hiện dự án thăm dò lithium, trong khi Rock Tech, có trụ sở tại Canada, dự kiến khởi động dự án nhà máy lọc lithium tại Đức vào cuối năm 2026.
Vulcan Energy và Rock Tech nằm trong danh sách 47 dự án chiến lược về khai thác và chế biến nguyên liệu thô quan trọng của EU, được kỳ vọng giúp giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và các quốc gia ngoài EU. Để hỗ trợ các dự án này, các ngân hàng trung ương, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu sẽ cung cấp bảo lãnh và hỗ trợ tài chính.
EU cũng cam kết đơn giản hóa quy trình cấp phép. Đối với các dự án khai thác, quyết định sẽ được đưa ra trong vòng 27 tháng; đối với các cơ sở tái chế và chế biến, thời gian này là 15 tháng. Hiện nay, quy trình cấp phép có thể kéo dài đến một thập kỷ.
Ông Freitag cho biết “Các hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất pin giúp chúng tôi chống lại biến động giá lithium, và Ủy ban châu Âu (EC) đang hỗ trợ tài chính linh hoạt hơn. Điều này rất quan trọng vì chu kỳ dự án lithium mới thường rất dài”. Sự hỗ trợ từ chính phủ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh môi trường kinh doanh bất ổn, khi giá lithium hydroxide đã giảm hơn 85% so với đỉnh điểm năm 2023 do công suất mới tăng và doanh số xe điện tại châu Âu thấp hơn dự kiến.
"Các mỏ lớn nhất nằm ở Australia và Nam Mỹ, nơi chúng tôi có mối quan hệ thân thiết, vì vậy, điều quan trọng hơn đối với ngành công nghiệp Đức là đảm bảo thị phần của họ ở đó", ông Moeller cho biết.
Một nhà phân tích khác cho biết tác động của Vulcan Energy có thể nhỏ trên phạm vi toàn cầu, nhưng sẽ giúp đạt được mục tiêu chiến lược của EU trong dài hạn. Ông Wolfgang Bernhart, đối tác cấp cao và Giám đốc toàn cầu của Trung tâm Công nghệ Tiên tiến tại công ty tư vấn chiến lược Roland Berger, nhận xét: “Một dự án khai thác lithium điển hình ở châu Âu khó vượt quá phạm vi vài phần trăm nhu cầu toàn cầu, và các công ty không có đủ nguồn lực để mở rộng vô hạn”.
Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Tokyo)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/eu-va-tham-vong-tu-chu-nguon-cung-lithium/372853.html