Xe quân sự Israel tham gia chiến dịch tấn công ở Rafah, phía Nam Dải Gaza ngày 10/5/2024. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phát biểu trên mạng xã hội X, bà Kallas cho biết đã tiếp Thủ tướng Palestine Mohammad Mustafa tại Brussels “chỉ vài giờ sau khi công bố thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin”. Bà Kallas cho rằng thỏa thuận này có thể là bước tiến tới hòa bình lâu dài, song vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Vị quan chức hàng đầu EU về chính sách an ninh và đối ngoại nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo, tái thiết và phục hồi. EU vừa cam kết một gói viện trợ mới trị giá 120 triệu euro cho Gaza. Chúng tôi cũng đang thảo luận về việc tái triển khai nhiệm vụ giám sát đến Rafah để đảm bảo sự ổn định tại biên giới”.
Một phái bộ dân sự của EU nhằm giúp giám sát cửa khẩu Rafah được thành lập vào năm 2005, nhưng đã bị đình chỉ vào năm 2007 sau khi Hamas thành lập chính phủ tại vùng đất này.
Hôm 16/1, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố gói viện trợ nhân đạo mới trị giá 120 triệu euro (123,4 triệu USD) cho người dân Palestine ở Dải Gaza. EC cho biết trong một tuyên bố rằng gói viện trợ mới nhất này nâng tổng số viện trợ nhân đạo của EU cho Gaza lên hơn 450 triệu euro (462,9 triệu USD) kể từ năm 2023, cùng với các chuyến bay theo cầu hàng không của EU đã chuyển hơn 3.800 tấn hàng viện trợ tới khu vực.
Tối 15/1, Qatar đã công bố thỏa thuận ngừng bắn ba giai đoạn nhằm chấm dứt hơn 15 tháng Israel tấn công Dải Gaza. Lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực từ ngày 19/1.
Giới chức y tế địa phương cho biết gần 46.800 người Palestine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong cuộc chiến diệt chủng của Israel ở Gaza kể từ ngày 7/10/2023. Tòa án Hình sự Quốc tế đã phát lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vào tháng 11/2024 vì tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Gaza. Israel cũng phải đối mặt với một vụ kiện diệt chủng tại Tòa án Công lý Quốc tế vì cuộc chiến của quốc gia này tại Gaza.
Ngọc Long (TTXVN)