Thành quả từ góc nhìn của “những người trong cuộc”
Được ví như “con đường cao tốc” nối các nền kinh tế, EVFTA không chỉ mở ra kỳ vọng lớn về tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư, mà còn đặt ra yêu cầu mới về cải cách thể chế và nâng cao năng lực thực thi. Theo kết quả khảo sát Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý II/2025 do EuroCham công bố mới đây, có tới 66% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang tích cực tham gia vào hoạt động thương mại Việt Nam - EU hoặc các lĩnh vực liên quan như logistics, kho vận, phân phối. Điều này cho thấy EVFTA đã thực sự tác động rất lớn đến thực tiễn sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Khảo sát cũng phản ánh sự ghi nhận ngày càng rõ rệt từ phía doanh nghiệp đối với những lợi ích thiết thực mà EVFTA mang lại. “Thật đáng khích lệ khi có tới 98,2% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đã biết đến EVFTA”, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham cho hay. Và gần 50% trong số đó báo cáo rằng hiệp định mang lại lợi ích từ mức trung bình đến đáng kể cho hoạt động kinh doanh của họ - một tín hiệu rõ ràng cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng.
Đáng chú ý, mức độ thụ hưởng từ EVFTA khác nhau tùy theo quy mô: Doanh nghiệp lớn ghi nhận lợi ích nổi bật hơn ở chiều xuất khẩu từ EU sang Việt Nam, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đóng vai trò tích cực hơn trong xuất khẩu từ Việt Nam sang EU - đặc biệt nhờ tận dụng ưu đãi thuế quan và tiếp cận thị trường. Một trong những chuyển biến đáng chú ý nhất trong năm qua là tỷ lệ doanh nghiệp xác định ưu đãi thuế quan là lợi ích nổi bật của EVFTA đã tăng vọt - từ 29% trong quý II/2024 lên đến 61% trong quý II/2025. Sự gia tăng này phản ánh hiệu quả của lộ trình cắt giảm thuế theo từng giai đoạn, cũng như mức độ tận dụng ngày càng cao các điều khoản ưu đãi của hiệp định.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU đã tăng 40% kể từ năm 2020 - một con số đáng kể trong bối cảnh thương mại toàn cầu còn đối mặt với nhiều biến động. Dù chỉ có 21% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có thể định lượng lợi nhuận trực tiếp từ EVFTA, mức tăng lợi nhuận trung bình mà nhóm này ghi nhận là 8,7%; một số doanh nghiệp còn báo cáo con số ấn tượng lên tới 25%.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Cao ủy Thương mại và An ninh kinh tế EU Maros Sefcovic cuối tháng 6 vừa qua để thảo luận về việc thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và EU cũng như việc thực thi EVFTA, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, sau 5 năm kể từ ngày hiệu lực, EVFTA đã trở thành động lực giúp trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU tăng trưởng tích cực. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN.
Những rào cản cần tiếp tục hóa giải để khai thác tốt hơn EVFTA (Nguồn Báo các BCI quý II)
Những khoảng cách cần lấp đầy
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, thực tế cũng cho thấy còn nhiều khoảng cách trong quá trình thực thi EVFTA. Điển hình là vấn đề định giá hải quan – được 37% doanh nghiệp xác định là rào cản lớn nhất. Nhiều doanh nghiệp phản ánh còn tình trạng khác biệt trong cách phân loại sản phẩm giữa cơ quan hải quan hai bên, dẫn đến không thống nhất về thuế suất, và kéo theo các quy trình xử lý phức tạp, mất thời gian.
Cùng với đó, hệ thống pháp lý trong nước vẫn còn thiếu rõ ràng, nhất quán. Các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho biết họ gặp khó khăn trong việc hiểu và áp dụng các quy định liên quan đến chứng nhận xuất xứ, thủ tục SPS (an toàn – vệ sinh dịch tễ) và tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật EU. Hay việc còn “khoảng cách” khi làm việc với các cơ quan chính quyền địa phương cũng được phản ánh như yếu tố cản trở quá trình tận dụng ưu đãi EVFTA.
Để vượt qua các rào cản như vậy, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị những giải pháp cụ thể như: đơn giản hóa quy trình nhập khẩu; tăng cường ứng dụng công nghệ số và các nền tảng khai báo điện tử; cho phép cơ chế tự chứng nhận xuất xứ; có hướng dẫn và thực thi hải quan nhất quán hơn; cần đẩy mạnh việc loại bỏ các rào cản kỹ thuật trong thương mại…
“Các doanh nghiệp châu Âu biết rõ họ cần gì: thủ tục đơn giản hóa, quy định hài hòa, quy trình cấp giấy phép lao động thuận tiện hơn, hoàn thuế và thủ tục hải quan minh bạch, cũng như tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới”, Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert lưu ý.
Cũng theo ông Bruno Jaspaert, đây không chỉ là mong muốn chính đáng của doanh nghiệp, mà là điều kiện tiên quyết để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao và bền vững. “Với các quy tắc rõ ràng hơn và cam kết cải cách mạnh mẽ hơn, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa trở thành trung tâm đầu tư chiến lược của khu vực. EuroCham tự hào được đồng hành cùng các đối tác trong hành trình này - đóng vai trò là cầu nối vững chắc hướng tới một tương lai thịnh vượng cho cả Việt Nam và châu Âu”, ông nói.
Thương mại Việt Nam – EU tiếp tục tăng trưởng ấn tượng
Năm 2024, cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đều đạt mức tăng trưởng cao với nhiều mặt hàng tăng 2-3 con số. Theo thống kê của Cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – EU năm 2024 đạt 68,4 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 8,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 51,72 tỷ USD, tăng 18,5%; nhập khẩu từ EU đạt 16,73 tỷ USD, tăng gần 12%. Bước sang 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU tiếp tục khởi sắc, đạt 35,7 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt 27,3 tỷ USD; nhập khẩu từ EU đạt 8,4 tỷ USD.
Chặng đường phía trước
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tận dụng EVFTA nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu nói chung. Đơn cử, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ ngày 1/7/2025 sẽ thực hiện quy định mới về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Cụ thể theo Thông tư 40/2025/TT-BCT, cơ chế “tự chứng nhận xuất xứ” chính thức được áp dụng cho các thương nhân đủ điều kiện – đánh dấu bước cải cách lớn giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong chứng nhận hàng hóa xuất khẩu, giảm thiểu chi phí thủ tục và rút ngắn thời gian thông quan.
Sau 5 năm triển khai, EVFTA đã mang lại nhiều kết quả thực tiễn. Tuy nhiên, để hiệp định này phát huy trọn vẹn tiềm năng, rất cần sự chuyển hóa từ “thực thi thụ động” sang “chủ động cải cách”. Thay vì chỉ chú trọng xuất khẩu hàng hóa, cần thực sự coi EVFTA như một đòn bẩy để nâng cấp năng lực thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, và chuẩn hóa các quy định kinh tế theo hướng minh bạch và bền vững hơn.
Từ góc độ doanh nghiệp, nhu cầu cấp thiết hiện nay không nằm ở việc có thêm ưu đãi, mà ở cách nắm bắt và tận dụng được các ưu đãi sẵn có. Từ phía Nhà nước, sự cam kết cải cách liên tục, minh bạch hóa quy trình, nhất quán trong thực thi và đối thoại cởi mở, phản hồi nhanh với kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp chính là chìa khóa giữ vững niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh.
EVFTA, ở năm thứ năm, đã đi được một chặng đáng kể. Nhưng để con đường cao tốc ấy thực sự thông suốt, vẫn cần tiếp tục cải cách, nâng cao năng lực thực thi và đón đầu kỳ vọng mới từ các đối tác quốc tế. EVFTA không chỉ là công cụ thúc đẩy thương mại thuận lợi, mà còn là một biểu tượng của năng lực hội nhập và sức cạnh tranh bền vững của quốc gia.
Đỗ Lê