Báo cáo được EVN cung cấp tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 có liệt kê tình trạng đầu tư một số nguồn điện mà Tập đoàn đang thực hiện nhưng số lượng cũng rất khiêm tốn.
Cụ thể, Công trình Nhà máy thủy điện Ialy MR (360 MW) đã phát điện hòa lưới năm 2024 cả 2 tổ máy vượt tiến độ 18 ngày. Với Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (480 MW) cũng đã khắc phục được các tồn tại, đẩy nhanh tiến độ thi công đáp ứng mục tiêu phát điện 2 tổ máy trong năm 2025.
Thi công tại khu vực cửa lấy nước dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, tháng 8/2024.
Với Nhà máy điện Quảng Trạch I, tiến độ tổng thể hiện đạt 76,8%, tăng gần 34% so với năm 2023, còn Nhà máy điện LNG Quảng Trạch II cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và hiện đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Các dự án như Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng hay Thủy điện tích năng Bác Ái dù có kế hoạch khởi công nhưng vẫn chưa thực hiện được trong năm 2024.
Năm 2024, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư toàn Tập đoàn đạt 112.892 tỷ đồng, bằng 110,8% kế hoạch. Tuy nhiên trong số đó đầu tư thuần chỉ là 71.987 tỷ đồng và tới hơn 40.000 tỷ đồng là trả nợ gốc và lãi vay đầu tư.
Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2024 (triệu kWh)
Bước sang năm 2025, EVN cũng đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình nguồn điện mới. Theo đó, ngoài Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ vào vận hành trong quý IV/2025, tổ máy 1 của Nhiệt điện Quảng Trạch 1 cũng đang được nỗ lực để hòa lưới trước 02/09/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ dù việc phát điện thương mại 2 tổ máy này được nhắc tới là trong năm 2026.
EVN cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao thực hiện các dự án nguồn điện mới, bao gồm cả giao tiếp tục đầu tư các dự án Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đang triển khai dở dang trước khi được tạm dừng.
EVN và 3 Tổng công ty phát điện mà EVN đang nắm cổ phần chi phối hiện khoảng 38% công suất nguồn điện đặt của cả nước. Nếu tính riêng EVN thì tỷ trọng này chỉ là 11%.
Năm 2024, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2024 đạt 308,73 tỷ kWh, tăng 9,9% so năm 2023. Trong đó sản lượng điện sản xuất các Nhà máy điện thuộc Công ty mẹ EVN là 50,0 tỷ kWh (chiếm 16,2%); các Nhà máy điện thuộc các Tổng công ty Phát điện là 74,5 tỷ kWh (chiếm 24,1%) và các nhà máy điện ngoài EVN là 184,3 tỷ kWh (chiếm 59,7%).
- Tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2024 ước đạt 575.000 tỷ đồng.
Trong đó doanh thu Công ty mẹ - EVN đạt 480.662 tỷ đồng, tăng 14,3% so với 2023.
- Vốn chủ sở hữu là 204.000 tỷ đồng (bằng 104% so với năm 2023).
- Giá trị nộp ngân sách năm 2024 toàn Tập đoàn ước đạt 25.000 tỷ đồng.
- Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Mẹ EVN năm 2024 có lợi nhuận.
Tuy nhiên do là đơn vị mua buôn điện duy nhất và bán điện chính cho các hộ tiêu dùng, thông qua 5 Tổng công ty phân phối điện ở các miền (mà EVN đang nắm 100% vốn điều lệ) nên EVN vẫn là thành phần rất quan trọng trong đảm bảo cấp điện của nền kinh tế.
Dự án điện Nhơn Trạch 3&4 do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam là chủ đầu tư, khi đi vào vận hành có thể cung cấp từ 9-12 tỷ kWh/năm. Đây cũng là dự án điện sử dụng khí LNG đầu tiên tại Việt Nam.
Do hàng loạt các nguồn điện thuộc về các nhà đầu tư khác nên EVN cũng kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và chủ đầu tư các nhà máy điện đảm bảo độ khả dụng sẵn sàng và độ tin cậy của các tổ máy để phục vụ cho việc cấp điện. Đồng thời tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư các dự án nguồn điện lớn như Nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4, Nhà máy điện BOT Vũng Áng 2… vào vận hành. Chỉ đạo PVN/PVGas: sớm có phương án cấp khí bổ sung cho các nhà máy tuabin khí để đáp ứng nhu cầu huy động, đảm bảo cung ứng điện năm 2025. Tuyệt đối không bố trí sửa chữa các nguồn khí, nhà máy điện khí trong cao điểm mùa khô.
Đáng nói là đề nghị này của EVN diễn ra khi Công ty Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) đã không còn là đơn vị trực thuộc EVN từ 1/8/2024 và Bộ Công thương mới là đơn vị có nhiệm vụ đảm bảo điện cho nền kinh tế.
Tính đến cuối năm 2024, tổng công suất nguồn điện (đã vận hành thương mại) toàn hệ thống là 82.400 MW, tăng khoảng 1.500 MW so với năm 2023. Trong số này, các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 21.447 MW, chiếm tỷ trọng 26%; nhiệt điện than là 26.757 MW, chiếm tỷ trọng 32%; thủy điện là 23.664 MW, chiếm tỷ trọng 29%.
Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của EVN năm 2025:
i) Điện thương phẩm từ 300,9 - 305,6 tỷ kWh.
ii) Tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối: không vượt quá 6%.
iii) Độ tin cậy cung cấp điện: Thời gian mất điện bình quân của một khách
hàng trong năm (chỉ số SAIDI) là 300 phút.
iv) Năng suất lao động tăng trên 8%.
v) Kế hoạch vốn đầu tư toàn Tập đoàn: 109.669 tỷ đồng.
vi) Đảm bảo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2025 có lợi nhuận.
Thanh Hương