Tổng công ty phát điện 3 (EVNGenco3) được thành lập theo Quyết định số 3025/QĐ-BCT ngày 1/6/2012 của Bộ Công thương trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Phú Mỹ, các công ty phát điện hạch toán phụ thuộc, các ban quản lý dự án nguồn điện và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại một số công ty phát điện thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang hoạt động theo luật doanh nghiệp.
Ngày 27/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2100/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 3, trực thuộc EVN. Ngày 1/10/2018, EVNGenco3 chính thức đi vào hoạt động.
Theo báo cáo tài chính 2024 đã được kiểm toán, EVNGenco3 hiện đang sở hữu 5.485MW công suất tại các nhà máy hạch toán phụ thuộc gồm cụm nhà máy nhiệt điện khí Phú Mỹ, hai nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2 và Mông Dương, cụm nhà máy thủy điện Buôn Kuốp và một nhà máy điện mặt trời.
Ngoài ra, EVNGenco3 còn sở hữu hai công ty con là Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa và Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình có tổng công suất 490MW, ba công ty liên kết là doanh nghiệp thủy điện có tổng công suất 584MW.
Đặc biệt, EVNGenco3 dù hoạt động với mô hình công ty cổ phần nhưng cổ đông lớn là EVN đang nắm giữ hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV, tương ứng 99,2% cổ phần.
Đội ngũ kỹ thuật của EVNGenco3 trong giờ làm việc. Ảnh: EVNGenco3
Gánh nặng tỷ giá
Theo báo cáo giải trình về kết quả kinh doanh quý I/2025 gửi Ủy ban chứng khoán nhà nước và HoSE, EVNGenco3 cho hay, lợi nhuận sau thuế trong quý trên báo cáo tài chính riêng là 85 tỷ đồng, tăng tới 621 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024.
Mức tăng này chủ yếu là do lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ 870 tỷ đồng, tăng 277 tỷ đồng do sản lượng điện bán cao hơn 183,8 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh đó, so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu hoạt động tài chính trong quý 45 tỷ đồng, giảm 155 tỷ đồng, chi phí tài chính 722 tỷ đồng, giảm 519 tỷ đồng..
Nguyên nhân do cổ tức thu được từ các công ty cổ phần giảm 130 tỷ đồng, lỗ chênh lệch tỷ giá giảm 350 tỷ đồng (quý I/2025 lỗ 267 tỷ đồng, trong khi quý I/2024 lỗ 617 tỷ đồng) và chi phí lãi vay giảm 154 tỷ đồng.
Các khoản vay bằng ngoại tệ của EVNGenco3 tính đến hết năm 2024.
Lợi nhuận sau thuế quý I/2025 trên báo cáo tài chính hợp nhất đạt 101 tỷ đồng, tăng 752 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024. Mức tăng do lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ là 897 tỷ đồng, chủ yếu đến từ sản lượng điện bán cao hơn 202 triệu kWh so với cùng kỳ năm 2024.
Ngoài ra, do doanh thu hoạt động tài chính là 49 tỷ đồng, giảm 42 tỷ đồng so với cùng kỳ và chi phí tài chính là 723 tỷ đồng, giảm 520 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024.
Nguyên nhân chủ yếu là do lỗ chênh lệch tỷ giá giảm 347 tỷ đồng (quý I/2025 lỗ 267 tỷ đồng, trong khi quý I/2024 lỗ 614 tỷ đồng) và chi phí lãi vay giảm 156 tỷ đồng.
Có thể thấy, lỗ tỷ giá đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của EVNGenco3.
Thực tế, EVNGenco3 đang có hai dự án Vĩnh Tân 2 và Mông Dương 1 sử dụng vốn vay ngoại tệ là đồng USD rất lớn nên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này chịu tác động mạnh từ biến động tỷ giá, đặc biệt là tỷ giá USD/VND.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024 của EVNGenco3, với dự án Mông Dương 1, doanh nghiệp này đang có các khoản vay bằng USD tại Ngân hàng phát triển châu Á và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc thời gian đáo hạn 2025, 2032 và 2034.
Tương tự, với dự án Vĩnh Tân 2, EVNGenco3 cũng đang vay từ Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc các khoản vay bằng USD (thời gian đáo hạn 2027, 2028).
Đáng lưu ý, các khoản nợ vay USD này được áp dụng với lãi suất thả nổi Libor (lãi suất liên ngân hàng London) nên áp lực với EVNGenco3 rất lớn.
Thời gian gần đây, trước biến động lớn của kinh tế thế giới, giá USD liên tục được đẩy lên mức cao. Ngày 14/5, tỷ giá trung tâm ở mức 24.973 VND/USD, trong khi Vietcombank niêm yết giá bán USD ở mức mức 25.780 - 26.140 VND/USD (mua vào - bán ra).
Với mức giá này, USD đã tăng gần 4,5% so với thời điểm đầu năm. Trên thị trường tự do, giá USD đang giao dịch quanh mốc 26.477 - 26.597 VND/USD, tăng gần 5,3% so với thời điểm đầu năm.
Việc giá USD không có dấu hiệu “hạ nhiệt”, khiến cho nhiều cổ đông không khỏi lo ngại về kết quả kinh doanh sắp tới của EVNGenco3.
Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, xu hướng tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc chủ yếu vào kết quả đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam, cùng với định hướng lãi suất của Fed.
Trong đó, chính sách thuế của Mỹ sẽ đóng vai trò trung tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại, đầu tư và kỳ vọng thị trường.
“Sức khỏe” EVNGenco3 ra sao?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 vừa công bố, doanh nghiệp ghi nhận chi phí lãi vay trong quý vẫn lên tới 450 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc mỗi ngày đơn vị này phải chi khoảng 5 tỷ đồng để trả lãi vay trong quý đầu năm.
Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản của EVNGenco3 đạt 54.975 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm (55.266 tỷ đồng). Trong đó, tài sản cố định chiếm 32.010 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm (33.014 tỷ đồng).
Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 11.168 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là các công ty mua bán điện với 10.295 tỷ đồng.
Hàng tồn kho ở mức 3.078 tỷ đồng, tăng mạnh so với đầu năm (2.454 tỷ đồng).
Tiền và tương đương tiền ở mức gần 260 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm (618 tỷ đồng), tiền gửi có kỳ hạn 2.880 tỷ đồng.
Đầu tư tài chính dài hạn 2.546 tỷ đồng, không biến động nhiều so với đầu năm. Phần lớn trong đó là đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết với 2.010 tỷ đồng.
EVNGenco3 đầu tư nhiều nhất vào Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh với 1.431 tỷ đồng; đầu tư góp vốn vào đơn vị khác với tổng giá trị 579 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn khác ở mức 2.250 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm (2.268 tỷ đồng). Trong đó chủ yếu là thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn với 1.191 tỷ đồng và chi phí trả trước dài hạn 260 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, tại ngày 31/3/2025, nợ phải trả của EVNGenco3 ở mức 40.304 tỷ đồng, giảm so với đầu năm (40.697 tỷ đồng). Trong đó, nợ vay chiếm gần 70% trong cơ cấu nợ phải trả với 30.071 tỷ đồng.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 14.670 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả 40.304 tỷ đồng gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ với mức âm 340 tỷ đồng, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 44,1 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính trong quý âm 63,3 tỷ đồng. Kết quả, lưu chuyển tiền thuần trong quý đầu năm của doanh nghiệp âm 359 tỷ đồng.
An Nhiên