Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thông báo tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường vào 26/2/2025. Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền dự họp và biểu quyết là 26/12/2024.
Nội dung dự kiến của cuộc họp này là bầu bổ sung 3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025 và thông qua sửa đổi điều lệ ngân hàng.
Hiện, Ban kiểm soát của Eximbank có hai thành viên, gồm bà Doãn Hồ Lan và Phạm Thị Mai Phương. Đồng thời, Hội đồng quản trị (HĐQT) nhà băng này có 5 thành viên, gồm ông Nguyễn Cảnh Anh - Chủ tịch HĐQT; Phó chủ tịch HĐQT là bà Đỗ Hà Phương và ông Trần Tấn Lộc. Hai thành viên còn lại là ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng (thành viên độc lập).
Eximbank tiếp tục triệu tập phiên họp bất thường trong bối cảnh nhà băng này vừa tổ chức thành công phiên họp bất thường năm 2024 vào ngày 28/11.
Eximbank vừa có thông báo tới cổ đông về phiên họp bất thường lần 2 dự kiến diễn ra vào tháng 2/2025.
Tại cuộc họp, cổ đông đã thông qua việc miễn nhiệm ba thành viên HĐQT, gồm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú đều là Phó chủ tịch HĐQT và ông Ngo Tony, Trưởng Ban Kiểm soát.
Cả ba người đều bị miễn nhiệm theo kiến nghị của “nhóm cổ đông sở hữu trên 5%” cổ phần tại Eximbank. Trên thực tế, lượng cổ phiếu tán thành bãi nhiệm chiếm xấp xỉ 54% tổng số cổ phần ngân hàng.
Những người bị miễn nhiệm đều là đại diện cho những nhóm cổ đông có tầm ảnh hưởng lớn tại Eximbank. Ông Nam tự giới thiệu là người đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu hơn 10% vốn ở Eximbank, trong khi bà Tú là cựu Tổng giám đốc Nam Á Bank và từng có thời gian đảm nhận vị trí chủ tịch Eximbank trước khi Gelex sở hữu lượng lớn cổ phần tại ngân hàng này.
Tại đại hội đồng cổ đông bất thường, cả ba đều phát biểu, nhấn mạnh những rủi ro và tính minh bạch tại Eximbank. Ông Nam nói: "Khi tham gia HĐQT Eximbank, tôi luôn hợp tác, xây dựng ngân hàng trên tinh thần thượng tôn pháp luật".
Còn ông Ngo Tony cho biết bản thân đã cùng các thành viên trong Ban Kiểm soát phát hiện hơn 2.200 rủi ro của nhà băng, trong đó có hai phần ba là rủi ro cao và rất cao. Ông cũng khẳng định đưa ra 8.240 lần kiến nghị giúp bảo vệ hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông Tony là người đã có thư kiến nghị tới cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, nêu các dấu hiệu rủi ro của Eximbank.
Trưởng Ban kiểm soát cũ của Eximbank nhận định, nhà băng này đối mặt 3 vấn đề lớn. Đó là, chất lượng tài sản giảm sút, thể hiện qua nợ xấu, nợ quá hạn và nợ có khả năng mất vốn. Cấp tín dụng mới của nhà băng "có một số việc cần phải bàn". Bên cạnh đó, ông đánh giá ngân hàng gia tăng một số hoạt động có rủi ro cao.
Ông khẳng định nhiều lần đề cập với Ban điều hành, HĐQT nhưng chưa thấy "có hành động nghiêm túc khắc phục". Do đó, ông gửi thư kiến nghị đến cơ quan thanh tra.
Trong khi đó, bà Tú cũng nói việc một số thành viên HĐQT trì hoãn ra quyết định trong vấn đề kiểm soát rủi ro, có thể ảnh hưởng đến tính minh bạch và hoạt động của ngân hàng.
Đại hội đồng cổ đông vừa qua cũng chốt việc chuyển trụ sở chính từ TP HCM ra Hà Nội. Nhưng chủ trương chấm dứt đầu tư xây trụ sở tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm (TP HCM) và tờ trình sửa điều lệ ngân hàng để đổi tên địa chỉ trụ sở chính chưa được thông qua.
Nhiều năm qua, nhân sự thượng tầng của Eximbank thay đổi chóng mặt, xuất phát từ xung đột giữa các nhóm cổ đông. Nhiều thời điểm, ngân hàng không thể tổ chức được đại hội cổ đông, do không đủ tỷ lệ tham dự.
Từ giữa năm nay, Tập đoàn Gelex lộ diện và trở thành cổ đông lớn tại nhà băng này, sở hữu 10% cổ phần. Đồng thời, theo báo cáo của Eximbank đến 10/10, Công ty cổ phần chứng khoán VIX - doanh nghiệp từng có liên quan đến ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Gelex - sở hữu 3,58% vốn Eximbank.
Bên cạnh đó, Vietcombank nắm 4,51% vốn của ngân hàng này. Bà Lương Thị Cẩm Tú giữ 1,12% vốn, còn Phó tổng giám đốc Lê Thị Mai Loan nắm hơn 1%.
Thanh Hoa