Lực lượng Nga bao gồm 2 máy bay ném bom chiến lược Tu-95 cùng 2 tiêm kích Su-27 Flanker hộ tống. Các phi công Na Uy đã nhanh chóng xác định, nhận dạng và theo dõi sát sao các máy bay Nga nhằm thu thập thông tin tình báo, đồng thời đảm bảo chúng không xâm phạm không phận NATO.
Một chiếc F-35A Lightning II Na Uy cất cánh từ Căn cứ không quân Evenes, chuẩn bị cho nhiệm vụ tuần tra trên không của NATO. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Na Uy)
Tư lệnh Không quân Na Uy Oyvind Gunnerud nhấn mạnh, việc duy trì khả năng phản ứng nhanh ở Bắc Cực đóng vai trò quan trọng trong an ninh quốc gia cũng như sự ổn định của liên minh NATO. Theo ông, việc triển khai lực lượng kịp thời không chỉ giúp bảo vệ không phận mà còn thể hiện sức mạnh của các đồng minh trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Na Uy là một trong những quốc gia NATO thường xuyên đối mặt với các máy bay quân sự Nga, đặc biệt là máy bay ném bom Tu-95 và tiêm kích đánh chặn MiG-31BM.
Trước đây, không quân Na Uy chủ yếu dựa vào các tiêm kích F-16 đời cũ, vốn bị đánh giá là yếu thế hơn so với những chiến đấu cơ tiên tiến của Nga như MiG-31BM và Su-27. Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu trang bị F-35A vào năm 2015, sức mạnh không quân Na Uy đã được cải thiện đáng kể, giúp họ có khả năng đối phó tốt hơn trong những tình huống đánh chặn và giám sát như lần chạm trán này.
Su-27 từng là "xương sống" của không quân Nga trong suốt những năm 1990–2000, với hơn 300 chiếc được đưa vào biên chế. Đây là một trong số ít các dòng tiêm kích vẫn được duy trì hoạt động sau khi Liên Xô tan rã, nhờ vào hiệu suất bay vượt trội và khả năng chiến đấu mạnh mẽ.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Su-27 thậm chí được đánh giá cao hơn đối thủ phương Tây cùng thời là F-15 của Mỹ. Đến năm 2020, vị thế Su-27 đã giảm đáng kể.
Dù vẫn có ưu thế về tầm bay và khả năng cơ động so với F-35, nhưng hệ thống điện tử hàng không và radar của Su-27 hiện đã cũ, dễ bị gây nhiễu trong chiến đấu. Trong khi đó, F-35 sở hữu nhiều công nghệ vượt trội như khả năng tàng hình, cảm biến tiên tiến, hệ thống vũ khí hiện đại và khả năng chia sẻ dữ liệu tác chiến, mang lại lợi thế áp đảo trong các cuộc đối đầu.
Trước thực tế đó, Nga đã bắt đầu loại bỏ dần Su-27 khỏi biên chế và dự kiến sẽ ngừng sử dụng hoàn toàn vào năm 2030. Ban đầu, Su-27 được lên kế hoạch thay thế bằng tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57, nhưng do chương trình phát triển bị trì hoãn, phần lớn Su-27 trên thực tế đã được thay thế bằng các phiên bản nâng cấp như Su-30SM và Su-35.
Xuân Minh