Ngày 16/5/2025, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức lễ ký kết văn kiện dự án GEF 8.
Dự án có tên đầy đủ là “Nâng cao an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế thích ứng thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình”.
Sông Hồng đoạn chảy qua địa phận thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Tuấn Anh/TTXVN
Dự án GEF 8 nhằm tăng cường an ninh nguồn nước, phục hồi hệ sinh thái và nâng cao sinh kế cho cộng đồng tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình.
Phạm vi thực hiện dự án bao gồm các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định và Hà Nội.
Dự án được triển khai trong vòng 5 năm, tập trung vào bốn hợp phần chính:
Thúc đẩy an ninh nguồn nước thông qua hoàn thiện môi trường pháp lý thuận lợi để phục hồi tổng hợp hệ sinh thái.
Nghiên cứu và đề xuất thực hiện các cơ chế khuyến khích quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái nhằm kích thích đầu tư, tạo việc làm và đảm bảo sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Tăng cường năng lực và phổ biến kiến thức.
Giám sát và đánh giá.
Tại lễ ký kết, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, nhấn mạnh: “Lễ ký kết văn kiện dự án ngày hôm nay không chỉ là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác mà còn là cơ hội để các bên cùng trao đổi và thống nhất phương hướng triển khai, nhằm bảo đảm hiệu quả, chất lượng và tính lâu dài của dự án, đồng thời mở rộng tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước”.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam, khẳng định: “Dự án là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Chính phủ Việt Nam, FAO và GEF. Dự án đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường phối hợp thể chế và thống nhất chính sách giữa các bên liên quan. Đồng thời, bảo đảm các can thiệp được thực hiện hiệu quả, phù hợp với ưu tiên quốc gia, cũng như các cam kết môi trường của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó tạo ra các lợi ích môi trường toàn cầu”.
Dự án GEF 8 được kỳ vọng sẽ góp phần đảo ngược xu thế suy thoái hệ sinh thái, duy trì và tăng cường đa dạng sinh học, đồng thời nâng cao sinh kế của người dân trong lưu vực sông Hồng - Thái Bình.
Thông qua việc áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi hệ sinh thái, dự án hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sự hợp tác giữa FAO và Việt Nam trong khuôn khổ dự án GEF 8 thể hiện cam kết mạnh mẽ của các bên trong việc bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi hệ sinh thái và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình.
Minh Thành