FBI cảnh báo người dùng iOS, Android về trò lừa đảo mới nhất

FBI cảnh báo người dùng iOS, Android về trò lừa đảo mới nhất
6 giờ trướcBài gốc
Theo FBI, nhiều cá nhân tại Mỹ, trong đó có cả quan chức chính phủ hiện tại và cựu quan chức đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công lừa đảo tinh vi.
Những kẻ đứng sau giả mạo danh tính của quan chức cao cấp, tiếp cận nạn nhân thông qua tin nhắn, cuộc gọi điện thoại hoặc email để tạo lòng tin, rồi dụ dỗ họ chia sẻ dữ liệu cá nhân như thông tin đăng nhập vào tài khoản ngân hàng, ví tiền điện tử hoặc ứng dụng chứng khoán.
Cẩn trọng các trò lừa đảo thông qua tin nhắn.
Không chỉ sử dụng các chiêu trò cũ, kẻ gian còn tận dụng AI để tăng tính thuyết phục. Giọng nói nhân tạo được tạo ra để giả mạo người thân hoặc đối tác kinh doanh. Hình ảnh công khai bị chỉnh sửa nhẹ, khiến nạn nhân tưởng như đang giao tiếp với người quen thật sự.
Những yếu tố tưởng chừng rất nhỏ, một chữ cái khác biệt trong địa chỉ email, một lỗi chính tả tinh vi, một số điện thoại lạ chỉ khác vài con số đều là dấu hiệu nhận biết trò lừa đảo.
FBI gọi các hình thức tấn công này là smishing, vishing và spear phishing:
- Smishing là tin nhắn văn bản giả mạo, dụ người nhận nhấp vào đường link chứa mã độc hoặc cung cấp thông tin cá nhân.
- Vishing là cuộc gọi giả mạo, có thể kết hợp giọng nói do AI tạo ra.
- Spear phishing là email được thiết kế tinh vi để đánh trúng một cá nhân hoặc tổ chức cụ thể.
Dù bằng cách nào, mục tiêu cuối cùng của chúng vẫn là khiến bạn tự giao ra thông tin nhạy cảm. Nhiều trường hợp, tin nhắn hoặc cuộc gọi có vẻ đến từ một người quen, thậm chí là đồng nghiệp, nhưng thực chất chỉ là sản phẩm giả mạo, từ giọng nói đến hình ảnh đều được tạo ra bằng AI một cách khéo léo.
FBI cảnh báo người dân không nên vội vàng tin vào bất kỳ thông tin nào chỉ dựa trên hình ảnh đại diện, giọng nói quen thuộc hay cách xưng hô gần gũi. Hãy tự xác minh người liên hệ bằng cách gọi điện trực tiếp cho họ, gửi email hoặc liên hệ với các tổ chức. Đồng thời, FBI cũng nhấn mạnh:
- Không bao giờ nhấp vào các liên kết lạ trong email hoặc tin nhắn, cho dù chúng có vẻ đáng tin đến đâu.
- Không mở tệp đính kèm từ người không rõ danh tính.
- Tuyệt đối không gửi tiền mặt, thẻ quà tặng hoặc tiền điện tử cho người mà bạn chỉ biết qua mạng.
- Hãy luôn bật xác thực hai yếu tố trên các ứng dụng tài chính và không bao giờ chia sẻ mã xác minh cho người khác, dù họ có tự xưng là ai.
Theo FBI, công nghệ AI có thể tạo ra khuôn mặt gần như thật, nhưng vẫn còn những khiếm khuyết nhỏ như bàn tay méo mó, ánh sáng bất thường, chuyển động môi lệch so với âm thanh trong video. Những chi tiết tưởng như vô hại ấy lại là dấu hiệu cho thấy bạn đang đối mặt với một trò lừa đảo có tổ chức.
Trong trường hợp không thể xác định được người đang cố gắng liên hệ với bạn là thật hay giả, hãy gọi cho cơ quan chức năng địa phương để được hướng dẫn xử lý.
Tiểu Minh
Nguồn PLO : https://plo.vn/fbi-canh-bao-nguoi-dung-ios-android-ve-tro-lua-dao-moi-nhat-post850471.html