FED giảm lãi suất và các động thái tiếp theo cho chu kỳ mới

FED giảm lãi suất và các động thái tiếp theo cho chu kỳ mới
6 phút trướcBài gốc
Kinh tế Mỹ chậm lại có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh tư liệu.
Có thể có những đợt hạ tiếp theo
Sau khi kết thúc cuộc họp tháng 9, FED đã đi đến quyết định giảm mạnh 0,5% lãi suất xuống 4,75 – 5%. Kết quả này khá đồng nhất với các dự báo của thị trường trong một vài ngày gần sát cuộc họp của FED, nhưng tỏ ra mạnh tay hơn khá nhiều so với những dự báo cũ hơn. Thời điểm đầu tháng 9 trở về trước, thị trường vẫn nghiêng nhiều hơn về khả năng FED chỉ giảm nhẹ lãi suất ở mức khoảng 0,25%.
Động thái hạ lãi suất với kịch bản khá mạnh tay gửi đi các thông điệp cho thấy, cơ quan này đã yên tâm với tỷ lệ lạm phát đang dần được kiểm soát. Báo cáo lạm phát cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,2% trong tháng 8, phù hợp với dự báo của Dow Jones. Với mức tăng này, tỷ lệ lạm phát trong 12 tháng vừa qua tăng 2,5%, thấp hơn 0,4% so với số liệu tháng 7 và thấp hơn so với ước tính là 2,6%.
Tuy nhiên, hành động của FED cũng khiến nhà đầu tư nhìn nhận ở góc độ cho rằng, cơ quan điều hành thị trường Mỹ đang chịu áp lực phải thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ trước một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ suy thoái. Trong đó, số liệu thị trường lao động đang là một trong những con số cảnh báo.
Báo cáo việc làm Mỹ tháng 8/2024 cho thấy, thị trường lao động chỉ bổ sung thêm 142.000 việc làm mới, thấp hơn con số ước tính của các chuyên gia là 160.000 việc làm. Đây là mức tăng trưởng việc làm phi nông nghiệp trong tháng 8 thấp nhất kể từ năm 2017. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 8 đứng ở mức 4,2%, ngang bằng với dự báo của các nhà phân tích. Các số liệu này cho thấy, thị trường lao động Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu.
Đặc biệt, hành động giảm lãi suất của FED có thể sẽ còn tiếp tục diễn ra trong các cuộc họp tiếp theo ngay trong năm 2024. Sau cuộc họp mới diễn ra của FED đã có kết quả, dự báo từ công cụ dự báo FedWatch tại thời điểm sáng ngày 20/9 theo giờ Việt Nam cho thấy, có tới 60,5% khả năng xác suất FED sẽ tiếp tục giảm thêm 0,25% lãi suất (xuống 4,5 – 4,75%) trong cuộc họp tháng 11. Thậm chí, thị trường cũng đặt cược cả vào kịch bản cơ quan này sẽ giảm 0,5% lãi suất (xuống 4,25 – 4,5%) với xác suất cho kịch bản này là 39,5%. Ngoài ra, dự báo về khả năng FED tiếp tục giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 12 xuống 4 – 4,25% cũng khá cao với xác suất dự báo là 50,4%.
Những tác động đa chiều
Về lý thuyết, động thái hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương thường gắn liền với mục tiêu kích thích nền kinh tế, nhưng động thái hiện tại của FED không hẳn đã được giới tài chính nhìn nhận với góc nhìn tích cực hoàn toàn với kinh tế Mỹ, ít nhất là trong ngắn hạn.
Bà Lyn Alden, người sáng lập Lyn Alden Investment Strategy cho biết, việc giảm lãi suất của FED khiến mọi người nhìn thấy viễn cảnh về một cuộc “di cư” vốn lớn tiềm tàng khỏi Mỹ để chuyển dịch sang các thị trường khác. Bởi lẽ, hiện có lượng vốn lớn toàn cầu đang đầu tư tại thị trường chứng khoán Mỹ và khi lãi suất giảm có khả năng làm giảm giá đồng Đô la Mỹ. Theo quan điểm của nhà đầu tư nước ngoài, lợi nhuận của họ sẽ không được tốt lắm khi sở hữu cổ phiếu được định giá bằng đồng Đô la trong bối cảnh đồng Đô la giảm giá. Điều này có thể khiến những người nắm giữ cổ phiếu nước ngoài rút khỏi thị trường Mỹ.
Trong khi đó, tác động kích thích các hoạt động kinh tế và tiêu dùng nhờ môi trường lãi suất thấp cũng chưa hẳn có thể có tác dụng ngay, mà thậm chí có thể “tác động ngược” trong ngắn hạn. Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital cho biết, các dự báo về chu kỳ giảm lãi suất của Mỹ vẫn đang tiếp tục diễn ra có thể khiến thị trường có tâm lý chờ đợi. Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có thể sẽ trì hoãn chưa vay để đầu tư hoặc chi tiêu ngay mà họ sẽ muốn chờ để đợi khi lãi suất thấp hơn họ mới vay để thực hiện kế hoạch của họ. Điều này sẽ khiến cho thị trường có thể sẽ tạm thời chậm lại trong ngắn hạn, sau đó mới đi vào giai đoạn tăng trưởng khi lãi suất về đến vùng đáy.
Trong khi đó, đánh giá về các yếu tố kinh tế Mỹ đối với Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế gia trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam cho biết, tổng cầu của nền kinh tế Mỹ sụt giảm có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam vì Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam.
Trên thị trường tiền tệ trong nước, PSG.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, lãi suất FED giảm khiến tỷ giá giữa đồng Việt Nam so với Đô la Mỹ hạ nhiệt và điều này đang tạo thuận để Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản hệ thống nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng mới thấp hơn.
Thực tế những ngày qua, lãi suất thị trường liên ngân hàng cũng đang đi vào xu hướng giảm. Cụ thể, đầu tháng 9, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng ghi nhận ở mốc 4,59%, sau đó đi vào xu hướng giảm đều và hiện đã về mức chỉ còn 3,22%. Mặt bằng này đã thấp hơn khá nhiều so với trần lãi suất qua đêm 5% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 3 tháng trên thị trường liên ngân hàng sau một giai đoạn vẫn có biểu hiện trồi sụt hồi đầu tháng 9 thì đến nay cũng đi vào xu hướng giảm. Cụ thể, lãi suất 3 tháng ghi nhận ở mức 5,5% vào ngày 10/9, đến nay đã lùi về mốc chỉ còn 4,66%.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 8 tháng năm 2024 đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD.
Chí Tín
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/fed-giam-lai-suat-va-cac-dong-thai-tiep-theo-cho-chu-ky-moi-160008.html