Giữ nguyên lãi suất bất chấp áp lực từ ông Trump
Rạng sáng 8/5 (giờ Việt Nam), Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất mục tiêu trong phạm vi 4,25%-4,5%, duy trì từ tháng 12 năm ngoái.
Quyết định này được toàn bộ thành viên FOMC đồng thuận, phản ánh sự thận trọng của Fed trong bối cảnh kinh tế Mỹ đối mặt với nhiều bất ổn, đặc biệt từ chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Tuyên bố sau cuộc họp của FOMC nhấn mạnh nền kinh tế Mỹ “tiếp tục mở rộng với tốc độ vững chắc” và thị trường lao động “nhìn chung cân bằng” với tỷ lệ thất nghiệp ổn định ở mức 4,2%. Tuy nhiên, FOMC cũng thừa nhận “sự bất ổn về triển vọng kinh tế tiếp tục tăng lên” và rủi ro đối với nhiệm vụ kép của Fed - kiểm soát lạm phát và tối đa hóa việc làm - đang gia tăng.
Cụ thể, ủy ban lưu ý rằng “rủi ro về tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và lạm phát cao hơn đã gia tăng” phản ánh lo ngại về tác động của các chính sách thương mại toàn cầu, đặc biệt là các mức thuế quan mới được áp dụng từ tháng 4/2025.
Chủ tịch Fed Jerome Powell, trong cuộc họp báo sau đó, cho rằng Fed đang ở vị thế “thuận lợi” để ứng phó kịp thời với các diễn biến kinh tế. Ông thừa nhận, các mức thuế quan, nếu được duy trì ở quy mô lớn, có thể gây ra lạm phát cao hơn, tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng.
Ông Powell cũng lưu ý cần sự kiên nhẫn và phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế.
Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: CNBC
Chủ tịch Fed cũng đề cập đến các tín hiệu kinh tế trái chiều. GDP quý I/2025 giảm 0,3%, chủ yếu do tiêu dùng chững lại và nhập khẩu tăng trước khi thuế quan có hiệu lực. Dù vậy, báo cáo việc làm tháng 4 cho thấy thêm 177.000 việc làm phi nông nghiệp, củng cố đánh giá của Fed rằng thị trường lao động vẫn “vững chắc”.
Về lạm phát, chỉ số PCE cơ bản đạt 2,3% và PCE lõi ở mức 2,6%, tiến gần mục tiêu 2% của Fed, nhưng các chính sách thuế quan của chính quyền ông Donald Trump được dự báo sẽ đẩy giá hàng hóa lên, làm phức tạp nỗ lực kiểm soát giá cả.
Khi được hỏi về áp lực liên tục kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất từ Tổng thống Trump, ông Powell khẳng định Fed sẽ hành động dựa trên dữ liệu kinh tế, không chịu ảnh hưởng từ các yếu tố chính trị.
“Chúng tôi sử dụng các công cụ để thúc đẩy việc làm tối đa và ổn định giá cả vì lợi ích của người dân Mỹ”, ông nhấn mạnh, bác bỏ mọi suy đoán về sự can thiệp từ Nhà Trắng.
Các thị trường biến động khá mạnh
Dù đã được dự báo từ trước, quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed vẫn gây ra nhiều biến động trên thị trường tài chính và hàng hóa. Thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi nhẹ vào cuối ngày 7/5. Chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 285 điểm, tương đương 0,7%, trong khi chỉ số tầm rộng S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lần lượt tăng 0,4% và 0,3%.
Sự phục hồi này phần nào phản ánh tâm lý nhà đầu tư được xoa dịu bởi lập trường “chờ và xem” của Powell, cùng với hy vọng về các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sắp tới tại Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, giá vàng chịu áp lực lớn, giảm 1,1% xuống 3.390 USD/ounce vào cuối phiên giao dịch ngày 7/5 do đồng USD mạnh lên (tăng 0,2% so với rổ các đồng tiền chính) cũng như tâm lý lạc quan về khả năng giảm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Đến 9h40' sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại, vọt lên 3.410 USD/ounce sau quyết định của Fed.
Về triển vọng chính sách của Fed, các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ tiếp tục giữ lãi suất ổn định ít nhất đến tháng 6/2025, với khoảng 30% khả năng cắt giảm lãi suất vào thời điểm đó, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Thị trường kỳ vọng tổng cộng ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025, nhưng con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các cuộc đàm phán thương mại với các đối tác khác.
Giới đầu tư vẫn lo ngại cuộc chiến thương mại, đặc biệt là các mức thuế quan 145% áp lên hàng hóa Trung Quốc và 125% thuế trả đũa từ Bắc Kinh, làm gia tăng nguy cơ “lạm phát đình trệ” tại Mỹ - một kịch bản mà Fed từng đối mặt vào đầu thập niên 1980.
Có thể thấy, quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed phản ánh sự thận trọng trước những bất ổn kinh tế do chính sách thuế quan của ông Trump gây ra. Dù thị trường tài chính và hàng hóa biến động, lập trường “chờ và xem” của Chủ tịch Powell cho thấy Fed vẫn tự tin vào khả năng ứng phó kịp thời. Tương lai chính sách tiền tệ sẽ phụ thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán thương mại và khả năng kiểm soát lạm phát, trong bối cảnh kinh tế Mỹ vẫn duy trì được sự ổn định tương đối.
Mạnh Hà