Focus: Huy động, xã hội hóa nguồn lực cho đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở

Focus: Huy động, xã hội hóa nguồn lực cho đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở
10 ngày trướcBài gốc
Để chuẩn bị cho buổi tuyên truyền tới cử tri về việc tham gia bỏ phiếu, lấy ý kiến về đề án sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn, hôm nay, ông Đoàn Tăng Huấn, trưởng thôn Phượng Khê, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đến nhà văn hóa thôn để kiểm tra công tác chuẩn bị.
Dù loay hoay mất một lúc, song ông Huấn vẫn không thể khởi động được hệ thống điện trong nhà văn hóa, mà như ông chia sẻ là vừa mới sửa xong.
Không có điện, mọi cửa sổ trong nhà văn hóa thôn đều được tận dụng để đón ánh sáng tự nhiên. Song, nếu như hệ thống điện không được sửa chữa kịp thời thì buổi tuyên truyền diễn ra tối nay cũng phải hoãn lại.
Tương tự như hệ thống điện, các trang thiết bị trong nhà văn hóa thôn Phượng Khê cũng rất sơ sài, bụi bặm và cũ kỹ. Dù ông trưởng thôn chia sẻ các hoạt động vẫn diễn ra thường xuyên ở đây, song, dấu vết thời gian cũng đã hiển hiện rõ trong nhà văn hóa có tuổi đời đã hơn 30 năm, và với cơ sở vật chất như thế này, rất khó để các hoạt động của người dân trong thôn diễn ra được thuận lợi.
Tại một địa bàn khác của xã Phượng Sơn là thôn Hạ Mã, nhà văn hóa của thôn này được xây dựng cũng ngót nghét 20 năm. Không chỉ xuống cấp mà diện tích chật hẹp bên trong với sức chứa chưa đến 40 chỗ, cũng khiến cho các hoạt động diễn ra tại đây bị hạn chế. Trong khi đó, Phượng Sơn là một trong 4 xã đông dân nhất của huyện Lục Ngạn với hơn 3000 hộ, xấp xỉ gần 14.000 nhân khẩu. Vì vậy, việc nhà văn hóa ở các thôn không đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu sử dụng của người dân thật sự là vấn đề nan giải.
Vấn đề thiếu nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa cơ sở như ở Bắc Giang cũng là tình trạng chung diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến hết tháng 3/2023, cả nước có 77,4% xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao; 76,3% làng, thôn, bản, ấp có Nhà Văn hóa - Khu Thể thao. Và để nâng tỉ lệ này lên con số 100% trong bối cảnh nguồn lực của nhà nước còn hạn hẹp như hiện nay, thật sự là một bài toán khó.
Trong bối cảnh nguồn lực của nhà nước còn hạn hẹp, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các địa phương trong việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Và khái niệm “nhà văn hóa 0 đồng” - tức là không dùng một đồng nào từ ngân sách nhà nước, mà hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa huy động trong nhân dân là một ví dụ điển hình trong việc chủ động “gỡ khó” của các địa phương. Ghi nhận của phóng viên THQHVN tại tỉnh Yên Bái.
Nhà văn hóa thôn Trung Sơn ở xã Mông Sơn, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái được xây dựng với quy mô 1000 m2, diện tích xây dựng là 185m2 với đầy đủ các công trình phụ trợ. Điều đặc biệt là toàn bộ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng nhà văn hóa này, từ đất đai, tài chính cho đến nhân lực, vật lực, 100% đều huy động từ nhân dân. Đây là chủ trương được huyện Yên Bình triển khai trong thời gian qua để hướng tới mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Việc huy động nguồn lực từ nhân dân để xây dựng các nhà văn hóa 0 đồng ở huyện Yên Bình, đã giúp cho địa phương chủ động trong việc phân bổ nguồn lực, linh hoạt và kịp thời trong đầu tư các công trình mà không phải dùng tới nguồn ngân sách của nhà nước, để sớm về đích nông thôn mới. Đồng thời phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, tinh thần làm chủ và trách nhiệm người dân trong việc tham gia đóng góp nguồn lực, giám sát quá trình xây dựng và trực tiếp thụ hưởng lợi ích do các thiết chế văn hóa cơ sở mang lại.
Tính đến hết năm 2023, 100 % các nhà văn hóa thôn trên địa bàn huyện Yên Bình đã được đầu tư đạt chuẩn. Đặc biệt là 50 % trong tổng số 177 nhà văn hóa thôn được xây dựng từ nguồn đất do người dân hiến tặng và 100 % các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều được xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Các kết quả đã đó góp phần đưa huyện Yên Bình trở thành huyện thứ 2 của tỉnh Yên Bái về đích nông thôn mới và là huyện đầu tiên của các tỉnh Tây Bắc đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Mô hình xây dựng nhà văn hóa 0 đồng ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã cho thấy, khi mà người dân được đặt ở vị trí trung tâm, là chủ thể của quá trình tạo lập và thụ hưởng lợi ích từ các thiết chế văn hóa cơ sở, thì việc huy động sức dân trong đầu tư xây dựng các thiết chế này không phải là một điều quá khó khăn. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc huy động xã hội hóa các nguồn lực, cũng như xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở theo hướng căn cơ hơn, bài bản hơn, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, thì mấu chốt vẫn phải là tháo gỡ các điểm nghẽn trong cơ chế chính sách.
Đầu tư xây dựng một công trình giao thông, một tòa chung cư, một siêu thị có thể nhìn thấy lợi ích ngay trước mắt, nhưng đầu tư một thiết chế văn hóa như là bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa thì lợi ích rất khó đong đếm, mà phải mất nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm mới thấy được kết quả. Nhưng đầu tư cho các thiết chế văn hóa là đầu tư cho tương lai, có thiết chế văn hóa cơ sở, thì những người nghèo, người dân ở các địa bàn vùng sâu vùng xa, mới có cơ hội được tham gia các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, vốn đem lại giá trị tinh thần rất lớn. Vì thế đòi hỏi sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi những giải pháp thiết thực gỡ nút thắt trong công tác huy động các nguồn lực xã hội, đầu tư cho thiết chế văn hóa cơ sở để bảo đảm văn hóa thực sự trở thành mục tiêu, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Truyền hình Quốc hội Việt Nam
Nguồn Quốc Hội TV : https://www.quochoitv.vn/focus-kho-khan-trong-huy-dong-nguon-luc-de-dau-tu-xay-dung-cac-thiet-che-van-hoa-co-so-221493.htm