Sửa Luật Đầu tư công để khơi thông nguồn lực phát triển

Sửa Luật Đầu tư công để khơi thông nguồn lực phát triển
2 giờ trướcBài gốc
5 nhóm chính sách mới được xây dựng theo hướng:
+ Thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù
+ Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
+ Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước
+ Thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn oda và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài
+ Đơn giản hóa trình tự, thủ tục
Trong đó, một số điểm mới đáng chú ý nhất của dự thảo Luật đầu tư công sửa đổi gồm:
- Tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập;
- Quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho phép một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên;
- đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
- Ngoài ra, tăng mức vốn để xác định dự án quan trọng quốc gia gấp 3 lần (lên 30.000 tỷ đồng)
CẦN ĐÁNH GIÁ KỸ LƯỠNG TÁC ĐỘNG CỦA PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN TRONG ĐẦU TƯ CÔNG
Chiều 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi. Các đề xuất phân cấp, phân quyền cho các địa phương là điểm nhấn của dự thảo luật cũng chính là nội dung được các thành viên Ủy ban Thường vụ quan tâm thảo luận.
Đối với đề xuất phân cấp cho UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên, đa số các ý kiến cho rằng: Đây là cơ chế đặc thù được cho phép triển khai tại các nghị quyết 43 và 106 của Quốc hội và đã có các kết quả thực hiện bước đầu tích cực. Tuy nhiên, đây là nội dung mới nên cần được đánh giá kỹ lưỡng trước khi luật hóa.
Về đề xuất phân cấp phân quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng, một số thành viên Ủy ban Thường vụ đề nghị cần xem xét lại bởi Chủ tịch UBND các cấp vừa là người quyết định chủ trương đầu tư dự án, vừa là người quyết định đầu tư dự án, là chưa bảo đảm tính khách quan.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đề xuất thay đổi phân cấp, phân quyền so với quy định hiện hành, cần phải chỉ rõ bất cập, hạn chế dẫn đến việc thay đổi và đánh giá hiệu quả mang lại khi thay đổi để tạo sự đồng thuận khi trình ra Quốc hội. Đồng thời, cần rà soát để có sự phân công phối hợp, bảo đảm quyền của cơ quan dân cử và cơ quan hành pháp, đặc biệt các quyền quy định trong Hiến pháp.
PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN GIÚP TĂNG HIỆU QUẢ QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Đề xuất giao 1 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn tư 2 tỉnh trở lên là một trong các nội dung trong Luật Đầu tư công sửa đổi được sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với những sự thận trọng nhất định, các ý kiến đề nghị cần tổng kết đáng giá kỹ lưỡng trước khi luật hóa nội dung này. Ở một góc nhìn khác, ghi nhận trên thực tế, khi triển khai cơ chế phân cấp, phân quyền cho địa phương này theo các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội, nhiều dự án đã được đẩy nhanh tiến độ và tăng tính hiệu quả đáng kể. Ghi nhận tại tỉnh Ninh Bình.
Năm 2022, được giao làm chủ đầu tư dự án đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, UBND tỉnh Ninh Bình đã phát huy tối đa trách nhiệm trong tổ chức triển khai xây lắp, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đơn vị thi công.
Cuối năm 2023, tại Nghị quyết thí điểm của Quốc hội, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục được giao làm chủ đầu tư dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Sau gần 1 năm triển khai, dự án đã hoàn tất các thủ tục để có thể khởi công vào cuối năm nay, rút ngắn một nửa thời gian so với các dự án khác
Cơ quan soạn thảo cho rằng thực tế đã chứng minh nhiều địa phương được phân cấp, phân quyền làm chủ đầu tư dự án tại 2 tỉnh trở lên đã phát huy tính chủ động, sáng tạo để tăng hiệu quả quản lý vốn đầu tư công. Đây là cơ sở thực tiễn để luật hóa các cơ chế đặc thù thành chính sách phổ quát trong Luật Đầu tư công lần này.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Truyền hình Quốc hội Việt Nam
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/focus-sua-luat-dau-tu-cong-de-khoi-thong-nguon-luc-phat-trien-239064.htm