Fukushima là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi thảm họa kép thiên nhiên động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân hồi tháng 3/2011.
Cảnh báo của cơ quan khí tượng Nhật Bản về lở đất, lở tuyết. Ảnh: NHK.
Để sẵn sàng đối phó với thảm họa có thể xảy ra, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Văn phòng thông tin liên lạc tại Trung tâm Quản lý Khủng hoảng của Văn phòng Thủ tướng, đồng thời đưa ra cảnh báo về khả năng xảy ra lở đất, đá và tuyết ở nhiều nơi.
Vào lúc 8h09 sáng 23/1 (giờ địa phương), một trận động đất có độ lớn 4 đã xảy ra, với tâm chấn ở Aizu, tỉnh Fukushima, thuộc Đông Bắc Nhật Bản, nhưng nhiều địa phương khác cũng cảm nhận rõ rệt sự rung lắc mạnh, như thành phố Nikko, tỉnh Tochigi (mức độ địa chấn cấp 3), hay các dư chấn có cấp độ từ 1 - 2 cũng được quan sát thấy ở nhiều tỉnh thuộc vùng Tohoku và vùng Kanto.
Trước đó, vào lúc 2h49 ngày 23/1, theo giờ địa phương, khu vực tâm chấn Aizu, tỉnh Fukushima, cũng đã xảy ra trận động đất khác có độ lớn 5 (theo thang đo mức độ địa chấn của Nhật Bản), và nhiều địa phương khác có các dư chấn cấp độ 3, như thành phố Utsunomiya, Nikko và Nasushiobara ở tỉnh Tochigi, Maebashi, Numata, Shibukawa và Katashina ở tỉnh Gunma và Minamiuonuma ở tỉnh Niigata.
Ngoài ra, các cơn dư chấn có độ lớn cấp 1 và 2 cũng được quan sát thấy trên diện rộng ở các tỉnh thuộc vùng Kanto - Koshin, vùng Tohoku và tỉnh Ishikawa.
Mặc dù không có cảnh báo sóng thần được ban bố sau khi xảy ra những trận động đất này, tuy nhiên Cơ quan Khí tượng Nhật Bản nhấn mạnh, kết quả phân tích chi tiết dữ liệu quan sát hàng loạt trận động đất gần đây với tâm chấn ở Aizu, tỉnh Fukushima cho thấy, các hoạt động địa chấn đã gia tăng trong những ngày qua tại các khu vực xung quanh vùng tâm chấn.
Chỉ tính từ ngày 21/1 đến hôm nay (23/1), khu vực này đã xảy ra ít nhất 14 trận động đất có độ lớn từ cấp 1 - 5. Bên cạnh đó, đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 03/2024, tỉnh Fukushima mới lại xảy ra trận động đất có độ lớn 5 được quan sát thấy. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo, ở những khu vực xảy ra dư chấn mạnh sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều dư chấn với độ lớn tương tự trong khoảng tuần tới, và có thể dẫn đến lở đá, lở đất và tuyết lở, tuyết rơi từ trên mái nhà; đồng thời khuyến cáo mọi người dân nên chú ý và cẩn trọng để đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, để đối phó với khả năng xảy ra các trận động đất lớn ở tỉnh Fukushima - địa phương vốn đã chịu thiệt hại nặng nề bởi thảm họa kép thiên nhiên động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân hồi tháng 3/2011, vào lúc 2h50 sáng nay, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thành lập Văn phòng thông tin liên lạc tại Trung tâm Quản lý Khủng hoảng của Văn phòng Thủ tướng, nhằm thu thập và xử lý các thông tin về mức độ thiệt hại cũng như sẵn sàng các giải pháp hạn chế rủi ro.
Trước đó hồi giữa tháng 1 vừa qua, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng đã phải triệu tập khẩn cấp một cuộc họp của các chuyên gia động đất - sóng thần nhằm phân tích các dữ liệu liên quan các trận động đất xảy ra thời gian qua, đồng thời đưa ra dự báo về khả năng xảy ra trận siêu động đất tại khu vực rãnh Nankai được đưa ra vào tháng 8 năm ngoái.
Tại cuộc họp này, các chuyên gia kết luận trong vòng 30 năm tới, xác suất xảy ra một trận siêu động đất trên một khu vực rộng lớn của Nhật Bản, kéo dài từ thủ đô Tokyo đến vùng Tây Nam nước này, lên tới 70 - 80%, đồng thời kêu gọi chính quyền và người dân khu vực này cần có những chuẩn bị cần thiết để chống chịu với thảm họa thiên tai.
Ngọc Huân, Tuấn Nhật/VOV-Tokyo