Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại cuộc họp báo ở Pháp, năm 2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Italy, ông Blinken cho biết khoản tín dụng này nhằm giúp Ukraine duy trì năng lực tài chính, quân sự và chuẩn bị cho các cuộc đàm phán tiềm năng với Moskva trong tương lai. Ông nhấn mạnh "Chúng tôi đang hoàn tất việc giải ngân 50 tỷ USD từ các tài sản của Nga bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine một cách hiệu quả".
Khoản vay này được cam kết từ tháng 6/2024, sử dụng lợi nhuận từ khoảng 300 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của Nga. Trong đó, hơn 197 tỷ euro (206 tỷ USD) đang được giữ tại Trung tâm Thanh toán Euroclear, với lợi nhuận từ các tài sản này đạt khoảng 5,4 tỷ USD trong ba quý đầu năm nay.
Vào tháng 10 vừa qua, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden đã công bố một khoản tín dụng trị giá 20 tỷ USD cho Ukraine, sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa để tránh tăng gánh nặng lên người nộp thuế. Trong khi đó, 30 tỷ USD còn lại sẽ do các quốc gia G7 khác, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Canada và Nhật Bản đóng góp.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về sự thay đổi chính sách đối với Ukraine khi Tổng thống đắc cử Donald Trump, người từng tuyên bố cắt giảm viện trợ cho Ukraine, sẽ nhậm chức vào tháng 1/2025.
Moskva đã nhiều lần phản đối mạnh mẽ việc đóng băng và sử dụng các tài sản của Liên bang Nga, coi đây là hành động bất hợp pháp và có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã tuyên bố Moskva sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa, bao gồm việc sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của các nhà đầu tư phương Tây tại Nga.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã cảnh báo rằng việc sử dụng các tài sản bị phong tỏa phải dựa trên cơ sở pháp lý vững chắc để duy trì niềm tin vào hệ thống tài chính toàn cầu.
Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo rt.com/lemonde.fr)