'Gà đẻ trứng vàng' Gemalink giúp Gemadept bội thu quý I/2025

'Gà đẻ trứng vàng' Gemalink giúp Gemadept bội thu quý I/2025
6 giờ trướcBài gốc
Cảng nước sâu Gemalink đem lại 112 tỷ lợi nhuận tăng thêm cho Gemadept trong quý I/2025.
Quý I/2025, Công ty CP Gemadept ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.277 tỷ đồng, tăng 27%, lợi nhuận gộp đạt 562 tỷ đồng, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Động lực tăng trưởng của Gemadept chủ yếu đến từ lợi nhuận của các công ty liên doanh, liên kết, đạt 227 tỷ đồng trong quý đầu tiên của năm 2025, cao gấp 225% so với mức gần 98 tỷ đồng năm ngoái.
Trong đó, cảng nước sâu Gemalink đóng góp chủ yếu với mức lợi nhuận tăng thêm lên đến 112 tỷ đồng, theo giải trình của Gemadept.
"Siêu cảng" Gemalink là liên doanh giữa Gemadept với Công ty CMA Terminals đến từ Pháp, được biết đến là cảng nước sâu có quy mô lớn nhất tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải ngay sau khi đi vào vận hành giai đoạn I từ năm 2021, với công suất 1,5 triệu TEUs/năm.
Dự kiến, dự án cảng nước sâu Gemalink giai đoạn II được khởi công từ quý II năm nay, nâng công suất khai thác lên đến 3 triệu TEUs/năm, trở thành cảng nước sâu lớn nhất cả nước, sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động thương mại, dự kiến từ quý III/2028.
Tính đến cuối quý I/2025, khoản đầu tư của Gemadept vào Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link, đơn vị vận hành cảng nước sâu Gemalink, có giá trị gốc lên đến 1.277 tỷ đồng và là khoản đầu tư lớn nhất, đem về lợi nhuận cao nhất cho doanh nghiệp logistics này.
Trái ngược với mức tăng trưởng về doanh thu thuần và lợi nhuận gộp, lợi nhuận sau thuế của Gemadept đạt 528 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 28% xuống còn 403 tỷ đồng.
Mức sụt giảm này chủ yếu đến từ doanh thu tài chính giảm tới hơn 90% xuống chỉ còn 29 tỷ đồng, do quý I/2024 công ty ghi nhận khoản doanh thu và lợi nhuận lớn do chuyển nhượng tài sản. Mặt khác, chi phí bán hàng và chi phí quản lý của Gemadept tăng lần lượt 104% và 17% cũng là nguyên nhân thu hẹp lợi nhuận sau thuế của công ty.
Dù vậy, nếu không tính những quý có phát sinh doanh thu và lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng tài sản, cổ phần, quý I/2025 là quý chứng kiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi cao nhất trong lịch sử hoạt động của Gemadept.
Rủi ro thuế quan gây áp lực lợi nhuận trung hạn
Gemalink - con gà đẻ trứng vàng đem lại lợi nhuận lớn cho Gemadept, do đặc thù là cảng nước sâu, có thể đón các tàu cỡ lớn, di chuyển tuyến hải trình xa nên có mức độ phụ thuộc vào thị trường Mỹ tương đối cao, với khoảng 32% hàng hóa vận chuyển qua cảng này là hàng xuất Mỹ.
Dù vậy, tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với mức bình quân trên 50% tại cụm Thị Vải – Cái Mép. Bên cạnh đó, kể từ tháng 4/2025, sau khi bổ sung thêm bốn tuyến dịch vụ hàng tuần mới đến châu Phi, châu Âu, Canada và Brazil, tỷ trọng hàng hóa vận chuyển sang Mỹ tại cảng nước sâu Gemalink dự kiến sẽ giảm xuống chỉ còn 20%.
Trong khi đó, Nam Đình Vũ, cảng lớn nhất của Gemadept tại Hải Phòng, cũng có tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ chỉ khoảng 10%, thấp hơn so với bình quân khu vực là 12%.
Đây là nguyên nhân bà Chế Thị Mai Trang, Trưởng phòng phân tích ngành hàng công nghiệp Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), tại một sự kiện gần đây đã đánh giá, Gemadept không chịu tác động lớn bởi chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
Đặc biệt, trong ngắn hạn, cụ thể là quý II/2025, Gemadept có thể được hưởng lợi khi các nhà nhập khẩu ở Mỹ tăng cường tích trữ hàng hóa, tận dụng giai đoạn 90 ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn thuế đối ứng (hạn cuối là 9/7/2025).
Dù vậy, quá trình đàm phán thuế quan với Mỹ chưa có kết quả chính thức, do đó rủi ro có thể xảy ra, gây áp lực lớn cho Gemadept. Mặt khác, thương mại toàn cầu có thể bị méo mó bởi những quyết sách khó lường của Mỹ, cũng là nguyên nhân gián tiếp gây khó cho ngành vận tải biển.
Vì vậy, trong báo cáo mới đây, Công ty CP Chứng khoán Vietcap giảm nhẹ dự báo kết quả kinh doanh của Gemadept trong năm 2025.
Cụ thể, dự báo tổng doanh thu cả năm của công ty đạt 5.198 tỷ đồng, tăng 8% so với kết quả năm 2024, giảm 2% so với dự báo trước, lợi nhuận gộp dự báo đạt 2.294 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, giảm 6% so với dự báo trước và giữ nguyên dự báo về mức lợi nhuận sau thuế 1.970 tỷ đồng, tăng 3% so với 2024.
Dự báo được đưa ra dựa trên giả định kết quả kinh doanh hai quý cuối năm sẽ tương đối ảm đạm sau khi Mỹ chốt mức thuế đối ứng và dung lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ có thể thu hẹp do các nhà nhập khẩu ở Mỹ đã tích đủ hàng tổn.
Bên cạnh đó, Vietcap cũng đánh giá kém khả quan về kết quả kinh doanh cốt lõi của Gemadept trong giai đoạn 2026 - 2029, dựa trên kịch bản cơ sở là sản lượng xuất khẩu qua Mỹ giảm 50% do Việt Nam phải chịu mức thuế cao hơn tương đối so với các nước trong khu vực.
Trước đó, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 4, ban lãnh đạo Gemadept cho biết, mục tiêu lợi nhuận trước thuế cốt lõi đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2024 và cao hơn 3% so với dự báo của Vietcap.
Ban lãnh đạo Gemadept cho biết, mục tiêu này đã đặt ra trong nội bộ từ cuối năm 2024 và không có sự điều chỉnh sau chuỗi sự kiện liên quan đến thuế đối ứng của Mỹ. Điều này thể hiện mức độ tự tin cao của công ty, trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý I/2025 khả quan, các tuyến dịch vụ hướng đến thị trường thay thế được đưa vào khai thác tại cảng nước sâu Gemalink.
Bên cạnh đó, phần lớn đơn hàng xuất Mỹ được xử lý tại cảng của Gemadept chủ yếu là nội thất, lốp xe, may mặc, giày dép, là các hợp đồng dài hạn, nhiều khả năng vẫn sẽ được thực hiện, ít nhất là trong năm 2025, bất chấp diễn biến thuế quan.
Phạm Sơn
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/ga-de-trung-vang-gemalink-giup-gemadept-boi-thu-quy-i-2025-d40207.html