Ga Hạ Long (Quảng Ninh) thuộc dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Khởi công từ năm 2005, sau gần một thập kỷ thi công, ga chính thức đưa vào vận hành từ ngày 1/10/2014.
Từ năm 2021 đến nay, ga Hạ Long rơi vào cảnh ngóng chờ từng chuyến tàu trở lại.
Theo thiết kế, đây là một ga liên vận quốc tế với cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ. Nhà ga gồm hai tầng, diện tích khoảng 1.500m2.
Tầng 1 bố trí khu vực phòng chờ, quầy bán vé, gian hàng lưu niệm và hai kho tập kết hành lý. Tầng 2 có phòng chỉ huy chạy tàu, phòng tín hiệu, văn phòng trưởng ga, nhà bếp và hội trường.
Đường ray được thiết kế với 6 làn đón, gửi tàu và 2 làn phục vụ công tác chuẩn bị toa xe. Ga Hạ Long cũng là điểm cuối của tuyến đường sắt từ Yên Viên.
Nhà ga gồm hai tầng, diện tích khoảng 1.500m2 nhưng đến nay toàn bộ khu vực phía trước được các tiểu thương đề xuất cho thuê mặt bằng sân ga để tiếp tục duy trì trao đổi hàng hóa và để xe.
Trong khoảng thời gian từ năm 2014 - 2021, mỗi ngày ga chỉ đón duy nhất một chuyến tàu. Đến năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn bộ hoạt động tàu bị tạm dừng, kéo theo sự vắng vẻ trên sân ga.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 3/7, khu vực mặt tiền Ga Hạ Long luôn trong tình trạng đóng cửa. Bên trong, chỉ còn một số cán bộ, nhân viên luân phiên trực tại phòng bảo vệ và phòng trực ga.
Xung quanh nhà ga, nhiều hạng mục đã xuống cấp, cỏ mọc um tùm tại sân ga, đường ray hoen gỉ vì lâu ngày không có tàu chạy, các toa tàu hàng rỉ sét, thủng lỗ chỗ…
Ga Hạ Long được thiết kế đồng bộ và hiện đại, nhưng đến năm 2021 do dịch COVID -19 toàn bộ hoạt động phải tạm dừng cho đến nay.
Anh Trường, một người dân sống gần nhà ga, chia sẻ, trước đây, mỗi ngày còn nghe thấy tiếng còi tàu, người dân đi chợ, buôn bán nhộn nhịp. Nhưng lâu rồi không có chuyến tàu nào về ga.
"Khu vực quanh ga giờ phần lớn được tận dụng làm bãi đỗ xe, nơi tập trung của các hộ tiểu thương buôn bán hàng nông sản. Phía sau nhà ga, 17 toa tàu vẫn nằm im lìm, rỉ sét, hư hỏng. Nhìn cảnh tượng ấy, thấy thật xót xa. Tôi chỉ mong một ngày lại thấy tàu tấp nập trở lại", anh Trường nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Nguyễn Đức Tân, Trưởng ga Hạ Long, Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Lạng (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết: "Trước khi dừng hoạt động, ga tổ chức mỗi ngày một chuyến tàu. Có thời điểm mỗi tuần chỉ có một chuyến. Khách chủ yếu là các tiểu thương vận chuyển rau, củ, quả từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương đến Hạ Long tiêu thụ. Việc trao đổi hàng hóa diễn ra ngay tại sân ga trong khoảng 45 phút rồi họ lại lên tàu quay về".
Đến nay, một số hạng mục đã bị xuống cấp, các toa tàu trong tình trạng hoen gỉ, thủng lỗ chỗ.
Khi các chuyến tàu dừng chạy vào năm 2021 do dịch bệnh COVID-19, các tiểu thương đã đề xuất thuê lại mặt bằng sân ga để tiếp tục duy trì trao đổi hàng hóa, theo mức giá quy định của nhà nước. Tình trạng dừng vận hành kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của cán bộ, công nhân viên. Nhiều người đã xin nghỉ việc hoặc chuyển sang công việc khác.
Hiện tại, ga chỉ còn 1 trưởng ca và 3 cán bộ làm việc thường xuyên. Vào các ngày nghỉ lễ, anh em thay nhau trực, dọn dẹp, bảo dưỡng thiết bị máy móc để tránh hư hỏng.
"Lâu ngày không được vận hành, kỹ năng của anh em cũng phần nào mai một. Giờ chúng tôi chỉ mong có tàu chạy trở lại để cán bộ có việc làm, hoặc Nhà nước có cơ chế, chính sách cụ thể để sớm khôi phục hoạt động cho ga, tránh lãng phí", ông Tân chia sẻ.
Người dân và nhân viên ga Hạ Long mong muốn sớm có những chuyến tàu chạy trở lại.
Ga Hạ Long từng được kỳ vọng lớn trong kết nối giao thông liên vùng và phát triển kinh tế, nay lại trở thành hình ảnh cho thấy sự lãng phí của đầu tư hạ tầng khi thiếu kết nối đồng bộ và chính sách khai thác hiệu quả.
Trong bối cảnh Hạ Long đang hướng tới trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ hiện đại của cả nước, việc sớm khôi phục và phát huy hiệu quả hệ thống giao thông đường sắt, đặc biệt là tại ga Hạ Long, đang là mong mỏi của người dân địa phương cũng như nhiều cán bộ ngành đường sắt.
Văn Đạt