Theo Financial Times, với các sáng kiến trị giá hàng tỉ USD, những tên tuổi như Alibaba, JD.com, Pinduoduo và nhiều công ty khác đang hành động để giảm thiểu thiệt hại từ các rào cản thương mại mới của Mỹ và đồng thời thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Trung Quốc tập trung vào việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước khi các nhà xuất khẩu của nước này phải đối mặt với việc bị loại khỏi thị trường Mỹ - Ảnh: Bloomberg
Chuyển hướng từ quốc tế về nội địa
Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm chuyên tìm nguồn hàng từ các nhà xuất khẩu tại hơn 10 tỉnh trên cả nước. Thông qua các nền tảng thương mại điện tử chủ lực như Taobao và Tmall, Alibaba cam kết tăng hoa hồng và mở rộng khả năng hiển thị sản phẩm, nhằm thu hút ít nhất 10.000 nhà xuất khẩu tham gia bán khoảng 100.000 mặt hàng ngay tại thị trường nội địa.
Freshippo - chuỗi siêu thị hiện đại thuộc Alibaba - cũng đang mở “kênh xanh” để hỗ trợ nhà cung cấp từng chuyên về xuất khẩu đưa sản phẩm của họ lên kệ siêu thị trong nước.
Trong khi đó, Pinduoduo - công ty đứng sau nền tảng thương mại quốc tế Temu - cũng nhanh chóng phản ứng trước việc Mỹ chấm dứt chính sách miễn thuế "de minimis" đối với các gói hàng trị giá dưới 800 USD, vốn từng giúp hàng hóa Trung Quốc dễ dàng vào thị trường Mỹ. Pinduoduo tuyên bố sẽ đầu tư 100 tỉ nhân dân tệ (khoảng 13,7 tỉ USD) để hỗ trợ các đối tác kinh doanh trong việc “xoay trục và nâng cấp”.
“Tình hình hiện tại đầy biến động. Chúng tôi sẵn sàng gánh rủi ro để đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, đồng CEO Zhao Jiazhen của Pinduoduo nhấn mạnh.
Thuế cao khiến xuất khẩu không còn hiệu quả
Từ ngày 2.5, các chính sách thuế mới của Mỹ khiến nhiều mặt hàng Trung Quốc đối mặt với mức thuế lên tới 125%, cộng với việc hủy bỏ ngưỡng miễn thuế "de minimis", đã làm cho việc xuất khẩu sang Mỹ trở nên kém hấp dẫn hoặc không còn khả thi. Trong bối cảnh đó, việc quay về phục vụ thị trường trong nước được xem là giải pháp cấp thiết và thực tế.
JD.com, một đối thủ lớn của Alibaba trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, đã công bố quỹ trị giá 200 tỉ nhân dân tệ (hơn 27 tỉ USD) nhằm mua lại sản phẩm từ các nhà xuất khẩu địa phương trong vòng một năm tới. Đây là động thái mạnh mẽ nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và duy trì dòng chảy thương mại nội địa.
Không chỉ các hãng thương mại điện tử, những "gã khổng lồ" công nghệ khác cũng vào cuộc. Tencent - chủ sở hữu của nền tảng WeChat, ByteDance - công ty mẹ của TikTok và Douyin, và Meituan - nền tảng giao hàng nổi tiếng, đều đang triển khai các chương trình riêng để hỗ trợ nhà sản xuất trong nước.
Công cụ mới cho bán hàng nội địa
Baidu, tập đoàn công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc, đã công bố kế hoạch hỗ trợ một triệu doanh nghiệp quảng bá sản phẩm qua các buổi phát trực tiếp có sự góp mặt của "người ảo" do AI tạo ra - hoàn toàn miễn phí.
Còn DiDi - nền tảng gọi xe lớn nhất Trung Quốc - cho biết sẽ đầu tư 2 tỉ nhân dân tệ để “ổn định việc làm và thúc đẩy tiêu dùng”, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa vươn ra thị trường quốc tế.
Chính phủ hành động
Không chỉ doanh nghiệp, chính phủ Trung Quốc cũng đang chủ động vào cuộc. Bộ Thương mại đã tổ chức nhiều cuộc họp với các hiệp hội ngành hàng, chuỗi siêu thị và nhà phân phối để tìm cách hỗ trợ các nhà xuất khẩu tìm đầu ra trong nước. Thứ trưởng Thương mại Sheng Qiuping cho biết, mục tiêu là giúp doanh nghiệp đối phó với “cú sốc từ bên ngoài”.
Ngoài ra, một xu hướng rõ rệt đang hình thành: người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng sẵn sàng mua hàng vì lòng yêu nước. Cùng với đó là sự xuất hiện của “đội ngũ quốc gia” - các quỹ đầu tư nhà nước và doanh nghiệp lớn - hỗ trợ thị trường chứng khoán thông qua việc mua lại cổ phiếu.
Trước những rào cản từ bên ngoài, các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang thể hiện vai trò là “cánh tay nối dài” của chiến lược phục hồi kinh tế. Thay vì chỉ đơn thuần tối ưu lợi nhuận, họ đang hành động theo một mục tiêu lớn hơn: bảo vệ sản xuất trong nước, duy trì tăng trưởng và giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế.
Chiến dịch trị giá hàng tỉ USD lần này không chỉ là cuộc "giải cứu" xuất khẩu, mà còn là lời khẳng định rõ ràng: Trung Quốc đang chuyển mình để đối phó với một trật tự thương mại toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Hoàng Vũ