Để chủ động phòng chống bệnh khảm lá, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn trong niên vụ 2025, đối với những diện tích đã bị bệnh, Chi cục TT&BVTV đề nghị các địa phương cần tiến hành tiêu hủy ngay những cây bị bệnh nặng, không còn khả năng cho năng suất. Cụ thể, đối với cây sắn dưới 2 tháng tuổi cần thường xuyên kiểm tra, nhổ và tiêu hủy bằng cách phơi khô, băm nát hoặc đốt những cây sắn có biểu hiện bệnh nặng, cây thấp lùn, lụi không có khả năng cho năng suất.
Kiểm tra để phát hiện sắn bị bệnh khảm lá tại huyện Hải Lăng - Ảnh: L.A
Đối với cây sắn trên 2 tháng tuổi cần bón phân đầy đủ, có thể bón thêm phân bón qua lá để cây sắn tăng sức đề kháng bệnh và giảm thiểu thiệt hại về năng suất; sau khi thu hoạch củ cần thực hiện tiêu hủy thân cây sắn bị bệnh, tuyệt đối không lấy thân cây sắn bị bệnh khảm lá làm giống cho vụ sau.
Đối với những vùng chưa phát hiện bệnh và chuẩn bị trồng mới đề nghị địa phương tăng cường tuyên truyền về tác hại của bệnh khảm lá sắn, hướng dẫn biện pháp phòng chống; đồng thời tiến hành rà soát kỹ các diện tích trồng sắn để kịp thời phát hiện, tiêu hủy nguồn bệnh.
Kiểm soát chặt chẽ nguồn giống sắn trên địa bàn; khuyến cáo nông dân tuyệt đối không sử dụng hom sắn ở các vùng đã bị bệnh khảm lá sắn để làm giống hoặc tự ý mua giống mới chưa rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm soát không để tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển giống sắn từ các vùng đang có dịch bệnh về địa phương.
Tiến hành thu gom toàn bộ tàn dư, cây sắn còn từ vụ trước trên các bở thửa, hàng rào đem đốt, tiêu hủy để tiêu diệt nguồn bệnh. Những vùng đã bị bệnh nặng trong các năm trước cần ưu tiên sử dụng các giống sắn mới có tiềm năng năng suất và có khả năng kháng bệnh khảm lá như HN1, HN5... để trồng.
Tăng cường kiểm tra sự xuất hiện của bọ phấn trắng là môi giới truyền bệnh để phòng trừ kịp thời, hạn chế lây truyền bệnh.
Lê An