Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh kiểm tra sức khỏe cho bé trai. Ảnh: Hạnh Dung
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Thanh, Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh cho biết, bé trai sinh non khi mới được 7 tháng tuổi thai, nặng chỉ 1,6kg. Bé được sinh tại nhà, người nhà lấy chiếc kéo để cắt rốn nên 4 ngày sau sinh, bé không bú mẹ, cứng cơ hàm, sốt cao.
Ngày 22-1, gia đình đưa bé trai nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt, cứng cơ hàm, khóc nhỏ, thở yếu, thở khó, vàng da. Qua thăm khám và tìm hiểu dịch tễ, bác sĩ chẩn đoán bé bị uốn ván rốn. Đây là bệnh rất nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 90%.
Ngay lập tức, bệnh nhi được cho thở máy, dùng thuốc giãn cơ, thuốc an thần chống co giật, nuôi ăn tĩnh mạch. Sau một tuần, tình trạng của bé tạm ổn định, bé được ăn sữa qua ống xông dạ dày. Sau 75 ngày thở máy, bé được cai máy thở, được chuyển qua thở cypap, thở oxy.
Do phải nằm viện và thở máy lâu nên bệnh nhi có biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng huyết, loét vùng chẫm.
Đến ngày 30-4, bé trai đã tự thở, bú tốt, ngưng sử dụng các loại thuốc, tình trạng cứng cơ đã giảm được 90%. Sau hơn 3 tháng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại bệnh viện, bé trai đã tăng thêm 2,4kg, lên hơn 4kg.
Cha con bé trai cầm cờ Tổ quốc mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Hạnh Dung
Theo bác sĩ Thanh, đây là ca bệnh sinh non tháng nhất, nhẹ ký nhất, bệnh nặng nhất và nằm viện lâu nhất.
Bác sĩ Thanh khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ, chích ngừa vaccine uốn ván. Đến khi sinh nở, nên đến bệnh viện, các cơ sở y tế để sinh đẻ nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho cả mẹ và bé. Nếu sinh rớt tại nhà cũng nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Việc cắt rốn trẻ sơ sinh không thể thực hiện tùy tiện, phải có bộ dụng cụ cắt rốn chuyên dụng, đảm bảo vô khuẩn.
Hạnh Dung