Trong kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2025–2026, TP.HCM ghi nhận có khoảng 11.775 học sinh lớp 9 không đăng ký dự thi.
Gần 12.000 học sinh tại TP.HCM không thi vào lớp 10. Ảnh minh họa
Con số này tương đương gần 13,35% trên tổng số 88.210 học sinh dự kiến tốt nghiệp THCS trong năm nay, cho thấy một xu hướng ngày càng rõ rệt trong công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Theo thống kê mới nhất từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, số lượng học sinh đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm nay là 76.435 em. So với năm học trước, khi có hơn 16.200 học sinh không dự thi (chiếm 14,15%), tỷ lệ học sinh không thi vào lớp 10 đã giảm, song vẫn là một con số đáng chú ý, phản ánh rõ nét sự chuyển dịch trong lựa chọn hướng đi học tập và nghề nghiệp của học sinh sau bậc THCS.
Khảo sát của ngành giáo dục TP.HCM cho thấy, nguyên nhân khiến nhiều học sinh không đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập xuất phát từ định hướng học tập đa dạng, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống giáo dục phổ thông truyền thống.
Hiện nay, các bạn học sinh có sự định hướng học tập đa dạng. Ảnh minh họa
Trong số gần 12.000 học sinh không tham gia kỳ thi, có đến 79,63% em lựa chọn theo học tại các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp, hoặc các trường tư thục. Khoảng 9,37% học sinh không dự thi do thay đổi nơi cư trú hoặc có nguyện vọng đi du học. Ngoài ra, 7,42% học sinh thuộc diện được tuyển thẳng vào lớp 10 và 3,58% còn lại không dự thi vì các lý do cá nhân khác.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh nhu cầu thị trường lao động ngày càng đa dạng, không phải học sinh nào cũng phù hợp với con đường học tập theo hệ thống trung học phổ thông, đại học truyền thống. Việc lựa chọn học nghề hoặc tham gia các chương trình giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp được xem là hướng đi thực tế và phù hợp hơn với năng lực, điều kiện của từng học sinh.
Những lựa chọn này không chỉ giúp các em sớm tiếp cận với kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí học tập, đồng thời mở ra cơ hội lập nghiệp sớm và ổn định cuộc sống.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, việc gần 12.000 học sinh TP.HCM không dự thi vào lớp 10 công lập không nên được nhìn nhận như một điều tiêu cực. Trái lại, đây là minh chứng cho thấy công tác định hướng phân luồng sau THCS đang phát huy hiệu quả, từng bước thay đổi nhận thức của xã hội về con đường học vấn.
Khi các em học sinh và phụ huynh ngày càng chủ động, tỉnh táo trong lựa chọn hành trình học tập phù hợp với năng lực và nhu cầu thực tiễn, đó chính là dấu hiệu tích cực cho sự chuyển mình của giáo dục hiện đại, hướng tới một nền giáo dục mở, linh hoạt và đa dạng hóa cơ hội thành công cho mọi học sinh.
Yến Nguyễn