Gần 14 tỷ USD vốn ngoại đăng ký vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm

Gần 14 tỷ USD vốn ngoại đăng ký vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm
6 giờ trướcBài gốc
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính và đầu tư) cho biết, lũy kế bốn tháng đầu năm 2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vốn đầu tư đăng ký mới giảm 23,8%, song vốn điều chỉnh tăng gần 3,9 lần và giá trị góp vốn, mua cổ phần (GVMCP) tăng 2,1 lần đã tạo nên điểm sáng nổi bật cho bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Vốn giải ngân và hoạt động thương mại FDI tiếp tục khởi sắc đạt khoảng 6,74 tỷ USD tính đến hết tháng 4, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Khu vực FDI tiếp tục đóng góp lớn vào hoạt động ngoại thương khi xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt hơn 100,3 tỷ USD, chiếm 71,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhập khẩu đạt hơn 84,9 tỷ USD, chiếm 62,9% tổng nhập khẩu. Khu vực FDI xuất siêu 15,4 tỷ USD, góp phần giúp cán cân thương mại cả nước đạt mức xuất siêu 5 tỷ USD.
Xét về cơ cấu ngành, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất với hơn 8,9 tỷ USD, chiếm gần 64,6% tổng vốn đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 2,83 tỷ USD, tăng 61,9%. Một số ngành có mức tăng trưởng đáng kể như hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và dịch vụ lưu trú, ăn uống.
Xét về số dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng dẫn đầu cả về dự án mới chiếm 38,5% và số lượt điều chỉnh vốn chiếm 62%, cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực này.
Có 81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong bốn tháng qua. Trong đó, Singapore dẫn đầu với 3,2 tỷ USD, chiếm 23,5% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc với 2,8 tỷ USD, tăng hơn 3,3 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới, trong khi Hàn Quốc đứng đầu về số lượt điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần.
Dòng vốn FDI 4 tháng đầu năm 2025 theo đối tác
Nhìn chung, các đối tác truyền thống như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Đài Loan vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với 78% số dự án mới và hơn 81% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Bắc Ninh vươn lên dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 2,69 tỷ USD, gấp gần 2,7 lần cùng kỳ. Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh lần lượt giữ vị trí thứ hai và ba.
Đáng chú ý, Hà Nam là địa phương có mức tăng trưởng vốn đầu tư mạnh nhất, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ, phản ánh nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại các tỉnh, thành phố.
Dù xu hướng thu hút FDI rất tích cực, song báo cáo cũng cảnh báo về chính sách thuế mới của Hoa Kỳ với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư của doanh nghiệp FDI gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư hoặc cơ cấu sản phẩm xuất khẩu để thích nghi với biến động chính sách.
Lũy kế đến hết tháng 4/2025, cả nước có 43.020 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 513,8 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt gần 329,3 tỷ USD. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 315,8 tỷ USD, tương đương 61,5% tổng vốn.
Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản tiếp tục là ba nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam xét theo lũy kế. Về địa bàn, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với 59,4 tỷ USD, tiếp theo là Hà Nội và Bình Dương.
Với đà tăng trưởng ấn tượng trong bốn tháng đầu năm 2025, Việt Nam đang thể hiện sức hút vững chắc đối với dòng vốn FDI toàn cầu. Tuy nhiên, để duy trì động lực này, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chủ động thích ứng với biến động chính sách toàn cầu nhằm tạo dựng môi trường đầu tư ổn định và hấp dẫn hơn trong thời gian tới.
Ngọc Hân
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/gan-14-ty-von-fdi-dang-ky-vao-viet-nam-trong-4-thang-dau-nam-d40018.html