Toàn cảnh hội nghị tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh Phương Hoa
Đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lương Cường - Chủ tịch nước, Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ, Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Quốc hội, Trần Cẩm Tú - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương...
Dự hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Tỉnh ủy Phú Thọ có các đồng chí: Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phùng Khánh Tài - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị của tỉnh. Hội nghị được kết nối tới 223 điểm cầu trong tỉnh với gần 29.000 cán bộ, đảng viên tham gia.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề 1 về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng bao gồm những điểm mới trong: Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Dự thảo Báo cáo chính trị; Dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026 - 2030.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề 2 về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Tiếp đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt chuyên đề 3 về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; sửa đổi bổ sung các quy định thi hành Điều lệ Đảng; Chỉ thị sửa đổi Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 và Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị khóa XIII về đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Kế hoạch triển khai thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Đây là hội nghị hết sức quan trọng nhằm quán triệt các nội dung cốt lõi, điểm mới, trọng tâm của văn kiện Hội nghị Trung ương 11 nên được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và tiếp sóng, phát trực tiếp trên các nền tảng của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi. Đồng chí khẳng định: Hội nghị lần thứ 11 mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề rất quan trọng, đột phá giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Trên cơ sở thống nhất tuyệt đối, Trung ương đã ban hành Nghị quyết 60/2025 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng, tập trung 2 nhóm vấn đề: Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Những nội dung này có liên quan chặt chẽ với nhau và đều đề cập đến những vấn đề trọng tâm, cấp bách mà chúng ta phải tập trung thực hiện ngay sau hội nghị này và đến hết năm 2025.
Đồng chí chỉ ra 3 yêu cầu và 4 lưu ý để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 11, trong đó phải xác định đây là cuộc các mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, cải cách đổi mới để phát triển đất nước. Vì lợi ích chung của đất nước, của Nhân dân, đồng chí yêu cầu các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan triển khai quyết liệt các công việc trên tinh thần đúng vai, thuộc bài, quyết tâm cao, và vừa chạy vừa xếp hàng nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản không nóng vội, chủ quan, làm việc nào chắc việc đó, đúng quy trình, thủ tục theo quy định, đảm bảo các công việc đúng tiến độ theo thời gian quy định. Đồng chí cũng khuyến khích các địa phương, đơn vị hoàn thành sớm công việc trước mốc thời gian quy định trên tinh thần ổn định sớm để phát triển.
Người dân khu Cọ Sơn 2, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn tập trung theo dõi các nội dung hội nghị
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài nên cần phải thay đổi tư duy, tầm nhìn, thống nhất về nhận thức, tư tưởng, vượt qua những khó khăn, tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn đất nước là quê hương. Tinh gọn bộ máy, hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực trong phát triển, là cơ hội để sàng lọc, sắp xếp xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đồng chí đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng phải thực hiện quyết liệt, khẩn trương, vừa chạy vừa xếp hàng, không được để gián đoạn công việc, bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn, lộ trình thực hiện bài bản, khoa học, đảm bảo đúng điều lệ Đảng, đúng quy định, nguyên tắc, định hướng chỉ đạo từ Trung ương.
Các địa phương phải chủ động, trách nhiệm trong việc xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường để đạt mục tiêu cao nhất xây dựng chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, gần dân, sát dân, chủ động hướng về nhân dân. Lưu ý Ban Thường vụ các tỉnh phải bàn bạc, tính toán rất kỹ, trên tinh thần tầm nhìn lâu dài, vì nước, vì dân để có phương án bố trí, sắp xếp sáp nhập xã, phường hợp lý nhất.
Về công tác cán bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ và biên chế của hệ thống chính trị; phải hết sức công tâm, khách quan trong bố trí cán bộ; thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường kiểm soát quyền lực, gắn quyền lực với trách nhiệm cá nhân. Không để xảy ra tình trạng mất đoàn kết, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lãng phí trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp.
Người dân theo dõi hội nghị trực tiếp trên kênh VTV1
Cần làm tốt công tác lựa chọn, bố trí lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp xã sau khi sáp nhập; phải tính toán đồng bộ, liên thông giữa cả 4 giai đoạn: Bố trí cán bộ sau khi hợp nhất; nhân sự Đại hội Đảng cấp tỉnh, cấp xã; nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIV; nhân sự Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác nhân sự đã rất quan trọng, nay lại càng quan trọng hơn trước yêu cầu mới. Nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội XIV phải hội tụ “đủ đức - đủ tài - đủ tâm - đủ tầm - đủ sức - đủ nhiệt huyết cách mạng” để gánh vách trọng trách lịch sử của đất nước. Trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo các cơ quan ở địa phương sau khi sáp nhập, hợp nhất là trách nhiệm của Ban Thường vụ cấp ủy theo phân cấp, phải bàn bạc, thống nhất để bố trí “đúng người, đúng việc” theo tinh thần Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị về hướng dẫn xây dựng nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Đối với các địa phương, nhất là các địa phương sáp nhập, hợp nhất phải tập trung đoàn kết xây dựng văn kiện Đại hội vì đây là văn kiện cao nhất của Đảng, của cấp ủy mình.
Các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra, chuẩn bị nền tảng vững chắc tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc Việt Nam.
Thương- Thanh