Gần 3.200 gian hàng 'biến mất' khỏi Shopee, TikTok, Lazada mỗi tuần

Gần 3.200 gian hàng 'biến mất' khỏi Shopee, TikTok, Lazada mỗi tuần
5 giờ trướcBài gốc
Hơn 20% nhà bán hàng trên các sàn TMĐT bị "đào thải" năm 2024. Ảnh: Xuân Sang.
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những kênh bán lẻ quan trọng nhất trong bối cảnh thị trường ngày càng phát triển và hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng.
Với sự phát triển của các sàn TMĐT lớn, năm 2024 chứng kiến nhiều chuyển biến đáng chú ý. Những thay đổi này không chỉ tác động đến các doanh nghiệp bán lẻ mà còn đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với các thương hiệu, nhà cung cấp.
Shopee, TikTok Shop “ăn nên làm ra”
Theo báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến do Metric phát hành, tổng doanh số của 5 sàn TMĐT phổ biến nhất Việt Nam hiện nay gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo năm 2024 đạt 318.900 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2023.
Đồng thời, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 3,421 triệu sản phẩm, tăng gần 51%, cho thấy sức mua của thị trường vẫn duy trì ở mức cao.
Tuy nhiên, số lượng cửa hàng phát sinh đơn hàng lại giảm 20% xuống 650.000 shop, phản ánh sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Mức suy giảm này tương đương với khoảng 165.000 gian hàng đã "biến mất" năm qua, tương đương gần 3.200 gian hàng đóng cửa mỗi tuần.
Metric cho biết nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ hoặc hoạt động không hiệu quả đã phải rời bỏ thị trường, nhường chỗ cho những thương hiệu có chiến lược kinh doanh rõ ràng, danh mục sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khả năng vận hành linh hoạt hơn.
Dữ liệu cũng cho thấy mức tăng trưởng doanh số đáng kể vào nửa cuối năm 2024 chủ yếu nhờ hàng loạt sự kiện mua sắm lớn như mùa tựu trường, ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Những dịp này tạo ra nhu cầu mua sắm cao, mở ra cơ hội cho nhà bán tận dụng các chương trình khuyến mãi, đa dạng hóa danh mục sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng và đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị.
Bên cạnh đó, hệ thống Shop Mall trên Shopee và TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng doanh số mạnh mẽ, lần lượt 70% và 181%.
Xu hướng này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn thương hiệu uy tín và cửa hàng có độ tin cậy cao, đồng thời đặt ra yêu cầu cho các nhà bán lẻ về việc nâng cao trải nghiệm mua sắm, cải thiện chất lượng dịch vụ và xây dựng chiến lược phát triển bền vững để duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Hàng xuyên biên giới đổ bộ
Năm 2024 chứng kiến sự gia tăng đáng kể của hàng nhập khẩu với hơn 324,1 triệu sản phẩm (+38%) được đưa vào Việt Nam, tạo ra 14.200 tỷ đồng doanh số (+43%), tính riêng trên Shopee.
Metric cho rằng người tiêu dùng Việt Nam không còn quá e ngại khi đặt mua sản phẩm từ nước ngoài. Sự thay đổi này xuất phát từ một số yếu tố chính như hệ thống logistics được cải thiện giúp thời gian vận chuyển nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro thất lạc hoặc giao hàng chậm.
Bên cạnh đó, các nền tảng TMĐT cũng cung cấp chính sách đổi trả, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, giúp giảm rủi ro khi mua hàng từ nước ngoài.
Ngoài ra, giá cả cạnh tranh từ các thương hiệu quốc tế cũng là yếu tố quan trọng khi nhiều sản phẩm nhập khẩu có giá tốt hơn nhờ vào chi phí sản xuất thấp. Đây là tín hiệu cảnh báo quan trọng cho các doanh nghiệp nội địa, đòi hỏi việc phải tối ưu sản phẩm và chiến lược giá để có thể cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.
Người Việt đẩy mạnh mua sắm trực tuyến trong nửa cuối năm 2024. Ảnh: Metric.
Làm đẹp, Nhà cửa - Đời sống, Thời trang nữ tiếp tục là 3 ngành hàng mang lại doanh số nhiều nhất cho các sàn TMĐT. Tuy nhiên, Bách hóa - Thực phẩm mới là ngành hàng nổi bật với mức tăng trưởng lên đến 76%, cao nhất trong số các ngành hàng.
Xu hướng này cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong hành vi mua sắm khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên đặt hàng trực tuyến thay vì mua sắm tại chợ truyền thống hoặc siêu thị.
Những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này bao gồm sự tiện lợi và tốc độ giao hàng nhanh hơn, giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian đáng kể. Cácchương trình khuyến mãi và mã giảm giá hấp dẫn cũng khiến việc mua thực phẩm online trở nên kinh tế hơn.
Năm 2025, Metric dự báo doanh số trên 5 sàn TMĐT có thể đạt 387.500 tỷ đồng với 4,2 triệu sản phẩm được bán ra, tăng trưởng lần lượt 22% và 23% so với năm vừa qua.
Nền tảng phân tích dữ liệu này đánh giá thị trường đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ xu hướng chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến cùng với các chiến lược khuyến mãi và các dịp lễ Tết.
Tuy nhiên, trước những biến động mạnh mẽ giữa các tháng đầu năm và cuối năm, nhà bán hàng cần cập nhật liên tục các yếu tố kinh tế, chiến lược của các sàn TMĐT và xu hướng tiêu dùng mới để đảm bảo duy trì đà tăng trưởng.
Minh Khánh
Nguồn Znews : https://znews.vn/gan-3200-gian-hang-bien-mat-khoi-shopee-tiktok-lazada-moi-tuan-post1529146.html