Gần 30.000 tỷ đồng chi trả cho người nghỉ việc do sắp xếp bộ máy

Gần 30.000 tỷ đồng chi trả cho người nghỉ việc do sắp xếp bộ máy
12 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì Họp báo. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN
Chiều 2/7, phát biểu tại buổi hop báo quý II của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Kinh phí để thực hiện chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức sau sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang, trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được Quốc hội quyết định đầy đủ, không thiếu. Đây là chủ trương lớn, đã được lãnh đạo Chính phủ và Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định.
Theo Thứ trưởng, thực tế chi trả sẽ phát sinh tại từng cơ quan, đơn vị có cán bộ thuộc diện hưởng chế độ. Trong mọi trường hợp, Bộ Tài chính sẽ cấp đủ kinh phí cho các đơn vị có phát sinh chi trả, bảo đảm không để thiếu nguồn lực. Chia sẻ thêm, ông Dương Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho hay, thực hiện các quy định về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 07/2025/TT-BTC ngày 24/1/2025 và Thông tư số 34/2025/TT-BTC ngày 11/6/2025, hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP, trong đó có hướng dẫn kinh phí giải quyết chế độ với cán bộ các hội quần chúng. Trong quá trình triển khai, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tổ chức thực hiện. Theo đó, Bộ quán triệt tinh thần phải chi trả đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ cho đối tượng thụ hưởng, tuyệt đối không để xảy ra chậm trễ, kể cả do nguyên nhân khách quan hay chủ quan. Đối với các địa phương, Bộ Tài chính cho phép được chủ động sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương để chi trả chế độ. Trường hợp còn thiếu, báo cáo về Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, bổ sung từ ngân sách Trung ương. Về phía ngân sách Trung ương, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 196/2025/QH15, cho phép bổ sung 44.000 tỷ đồng để thực hiện chi trả chính sách chế độ cho cán bộ sau sắp xếp. Đồng thời, trong trường hợp nhu cầu chi thực tế cao hơn mức 44.000 tỷ đồng, sẽ sử dụng thêm nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương. Thực hiện Nghị quyết 196/2025/QH15, Bộ Tài chính đã tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để xử lý kinh phí cho các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã báo cáo Bộ Chính trị cho phép bổ sung thêm nguồn từ tăng thu ngân sách Trung ương năm 2024, theo Nghị quyết của Trung ương quy định dành 40% tăng thu để cải cách tiền lương. Như vậy, theo ông Dương Tiến Dũng, tổng nguồn lực từ ngân sách Trung ương gồm 44.000 tỷ đồng và khoảng 76.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu. Tính đến nay, trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung trên 60.332 tỷ đồng để chi trả cho các đối tượng. Đây là số kinh phí rất lớn nhằm bảo đảm chi trả kịp thời cho các đối tượng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 30/6/2025, đã có khoảng 29.800 cán bộ được nghỉ theo các chế độ và đã được chi trả đầy đủ. Trong đó, có 7.600 người thuộc đối tượng hưởng từ ngân sách Trung ương và 22.200 người thuộc ngân sách địa phương. Số liệu này vẫn đang được tiếp tục cập nhật theo tiến độ xét duyệt hồ sơ và danh sách đủ điều kiện tại các đơn vị. Ông Dương Tiến Dũng cho biết tinh thần chỉ đạo xuyên suốt từ Chính phủ và Bộ Tài chính là không để thiếu kinh phí chi trả chế độ, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ theo đúng quy định. Kinh phí đã được cấp đầy đủ, việc chi trả phụ thuộc vào tiến độ xử lý tại từng đơn vị dự toán. Liên quán đến xử lý tài sản công, bà Nguyễn Thị Thoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện cơ sở pháp lý và thúc đẩy tiến độ triển khai tại các địa phương. Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; đồng thời ban hành 11 văn bản pháp luật có liên quan, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến hệ thống tiêu chuẩn, định mức làm căn cứ pháp lý cho việc sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc tài sản công. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành liên tiếp 4 công điện chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ này. Đây đều là những văn bản có tính chất đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ, đúng nguyên tắc, kịp tiến độ. Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng làm Tổ trưởng để xử lý nhanh các vướng mắc phát sinh. Tổ công tác gồm đại diện nhiều cơ quan trung ương như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị chức năng khác. Trong quá trình triển khai, tổ công tác đã làm việc trực tiếp với cả 63 tỉnh, thành theo cụm và có hướng dẫn chi tiết cho từng địa phương, nhất là với những trường hợp có vướng mắc về nguyên tắc sắp xếp tài sản công. Bà Nguyễn Thị Thoa cũng cho biết, nguyên tắc quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo duy trì hoạt động của bộ máy sau sắp xếp. Đối với phần tài sản công dư thừa, Nhà nước không khuyến khích bán hoặc chuyển nhượng, mà ưu tiên bố trí cho các mục đích công như giáo dục, y tế, văn hóa – xã hội. Bộ Tài chính cũng theo dõi sát thực tiễn triển khai tại địa phương. Đến nay, sau mốc chính thức sắp xếp vào ngày 1/7, đại diện Bộ Tài chính cho biết, nhìn chung các địa phương không còn nhiều vướng mắc đáng kể. Tuy nhiên, để có số liệu tổng hợp chính thức, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương phải báo cáo kết quả sau 90 ngày kể từ khi bộ máy mới đi vào vận hành. The bà Nguyễn Thị Thoa, có những trụ sở hiện tại được xem là dư thừa, nhưng thực tế có thể được điều chuyển để sử dụng cho cơ quan trung ương đóng tại địa phương, hoặc phục vụ các mục đích thiết yếu khác. Do vậy, việc đánh giá phải hết sức linh hoạt và tổng thể. Chỉ khi kết thúc giai đoạn 90 ngày, Bộ Tài chính mới có thể tổng hợp và công bố số liệu chính thức về tình trạng nhà, đất dôi dư. Thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc mới phát sinh. Trường hợp vượt thẩm quyền, Bộ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để có chỉ đạo phù hợp, đảm bảo quá trình sắp xếp, xử lý tài sản công diễn ra thông suốt và hiệu quả.
Thùy Dương/Bnews/vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/gan-30-000-ty-dong-chi-tra-cho-nguoi-nghi-viec-do-sap-xep-bo-may/379114.html