Theo chuyên gia Trần Duy Phương, việc phát hiện trữ lượng khoảng 30 tấn vàng ở khu vực Tây Bắc là một tin vui đối với thị trường này trong tương lai. Bởi chắc chắn khi số lượng vàng này được khai thác sẽ bổ sung nguồn cung cho thị trường vàng Việt Nam, góp phần giảm bớt sự căng thẳng vì nguồn cung vàng nguyên liệu khan hiếm.
Ông Phương dẫn chứng, hiện người dân khá khó khăn trong việc mua vàng. Lý do là nguồn vàng nguyên liệu đầu vào ít khiến các doanh nghiệp khó cung ứng đầu ra.
Trước đây, khi chưa siết chặt các quy định, doanh nghiệp có thể mua vàng trôi nổi trên thị trường, nguồn cung tương đối dồi dào. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp thường mua vàng của chính họ hoặc các loại vàng thương hiệu khác mà người dân đem bán có giấy tờ, nguồn gốc rõ ràng.
Ngoài ra, thời gian qua, người dân cũng chủ yếu mua vào chứ không bán ra. Các yếu tố này làm cho vàng nguyên liệu ngày càng khan hiếm.
"Vì thế, việc phát hiện 40 mỏ vàng với trữ lượng gần 30 tấn tại khu vực Tây Bắc sẽ giúp nguồn vàng thành phẩm không còn quá eo hẹp, giúp giá vàng trong nước không còn khoảng cách cao hơn nhiều so với giá thế giới. Đồng thời, việc nguồn cung vàng trong nước dồi dào cũng làm triệt tiêu nạn buôn lậu vàng, giúp nền kinh tế ổn định hơn”, ông Phương nói.
30 tấn vàng ở các mỏ Tây Bắc sẽ giúp tăng nguồn cung vàng nguyên liệu cho thị trường. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh để có thể khai thác trữ lượng vàng này không phải chuyện ngày một ngày hai mà phải mất từ 5 năm hoặc nhiều năm tới.
Ngoài ra, việc phát hiện các mỏ vàng và ước tính trữ lượng chỉ mang tính tương đối, bởi dưới lòng đất còn rất nhiều các tầng địa chất lẫn lộn và khác nhau. Do đó, để có thể thực hiện khai thác và tinh luyện ra vàng nguyên chất cần rất nhiều thời gian nghiên cứu và công đoạn phân tách.
"Để đánh giá về tác động của trữ lượng vàng này tới thị trường cần phải đợi về lâu dài. Hiện tại, thông tin này chưa hỗ trợ được cho thị trường và giá vàng trong nước.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng từng thông báo phát hiện trữ lượng vàng rất lớn dưới lòng đất. Thế nhưng thực tế đến nay họ vẫn chưa thể khai thác triệt để. Nhiều khi, chi phí bỏ ra để khai thác vàng còn tốn kém hơn so với chi phí nhập khẩu. Do đó, đến nay, hoạt động khai thác vàng trên thế giới vẫn rất tốn kém và công phu”, ông Phương nhấn mạnh.
Khai thác vàng trong mỏ thế nào?
Trong khi đó, nói về hoạt động khai thác vàng tại Việt Nam, GS.TS. Phan Trường Thị - Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt cho biết, dù là khu vực có nhiều mỏ vàng nhất nhưng mỏ vàng lớn nhất Việt Nam lại không nằm ở khu vực miền núi phía Bắc.
Cụ thể, hai mỏ vàng được đánh giá là một trong số những mỏ có lượng vàng lớn nhất lại là mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn (Quảng Nam) với tổng trữ lượng khoảng 20 tấn.
Ở vùng núi phía Bắc, vùng có biểu hiện khoáng hóa vàng khá tập trung ở quanh Đồi Bù (Hòa Bình) như Cao Răm, Da Bạc, Kim Bôi... với tổng trữ lượng khoảng 10 tấn.
Bên cạnh đó, vùng Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, cũng có các mỏ Pắc Lạng, Khau Âu (Bắc Kạn), mỏ Bồ Cu (Thái Nguyên) và Nam Quang (Cao Bằng). Trong đó, mỏ vàng Pắc Lạng đã được công ty BRGM (Pháp) dự báo có 30 tấn, mỏ vàng Bồ Cu đã được đánh giá ở phần nông có trữ lượng khoảng 1,7 tấn.
Vùng Nà Pái (Lạng Sơn) có diện tích phân bổ rộng nhưng hàm lượng nghèo. Toàn vùng dự báo có đến 30 tấn vàng, trong đó khu vực trung tâm Nà Pái tuy đánh giá trữ lượng 3,3 tấn vàng nhưng chưa có khả năng khai thác vì vàng ở đây hạt nhỏ, công nghệ thu hồi phức tạp.
Hiện nay, có 2 phương pháp khai thác vàng gồm phương pháp hiện đại khai thác vàng của một số công ty đầu tư tại Việt Nam được tiến hành. Đầu tiên, là trang bị dụng cụ bảo hộ, thiết bị máy móc đảm bảo an toàn cho công nhân cũng như người khai thác.
Sau khi đi vào trong hầm, người ta sẽ dùng mìn hoặc các loại máy khoan để tiến hành xử lý quặng. Các quặng này được cho lên xe và vận chuyển về nhà máy tuyển quặng. Vàng sẽ được nghiền và loại bỏ tạp chất thông qua quá trình tuyển nổi, hấp thụ bằng hạt nhựa auric hoặc ngâm chiết.
Thứ 2 là phương pháp thủ công, tại một số nơi người ta sẽ khai thác bằng hình thức đãi vàng. Đây là phương pháp thủ công. Được thực hiện bằng các dụng cụ thô sơ như mâm, chảo, gầu, cuốc, xẻng, mâm… Mâm đãi vàng có chiều dài tầm 70cm, được cắt từ phần đáy hoặc nắp thùng phi,…
Sau khi chế tạo ra mâm đãi hình nón, người khai thác sẽ múc một lượng hỗn hợp đất bùn và cát. Trong đó có lẫn khoáng vàng và nhiều tạp chất. Để loại bỏ thành phần tạp chất này, người ta bắt đầu nghiêng mâm cho nước gạt vào. Dùng tay làm rời đất, bùn, rồi vứt bỏ đi bớt đá, sỏi, còn về phần bùn đất còn sót sẽ được gạt xuống bằng hình thức xoay nón liên tục theo hai hướng đối lập của kim đồng hồ.
Làm liên tục cho đến khi đất hoàn toàn được gạt sạch. Khi đó, vàng và một số khoáng vật nặng hơn sẽ nằm gọn trên mâm. Thao tác đơn giản còn lại chỉ là tách riêng chúng ra như quá trình đãi gạo thông thường.
Chuyên gia cho biết, vàng sau khi được khai thác, loại bỏ tạp chất và xử lý, sẽ được làm chảy, tạo thành dung dịch.
Thành phần chế tạo vàng miếng, thỏi có thể là vàng trang sức được tập hợp lại, thông qua tác động của nhiệt độ cao, vàng sẽ bắt đầu tồn tại dưới dạng hạt. Tiếp tục nung cho đến khi hỗn hợp hoàn toàn chuyển đổi sang thể lỏng. Rót dung dịch vào khuôn và thực hiện các bước xử lý. Như đóng dấu, in tên nhà sản xuất, tên thương hiệu, trọng lượng vàng…
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã công bố kết quả "Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc)".
Theo kết quả, 110 mỏ khoáng sản quý và quan trọng đã được phát hiện.
Trong đó, có khoảng 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 (được khoanh định trong phạm vi cấu tạo địa chất thuận lợi cho thành tạo khoáng sản) xác định được hơn 29,8 tấn vàng.
Thành Lâm