Ngay sau thông tin đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận bị các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện, triệt phá, nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự hoang mang, lo lắng.
“Sữa là sản phẩm gia đình tôi sử dụng rất nhiều, nhưng gần đây có thông tin về sữa giả làm rất tinh vi khiến tôi thật sự lo lắng, giờ không biết nên chọn các sản phẩm sữa nào để yên tâm”.
“Gia đình tôi dùng sữa rất nhiều, nhưng bên Công an phát hiện gần 600 loại sữa giả khiến tôi thấy hoang mang, lo ngại. Tôi nghĩ cần phải xử lý nghiêm vì hành vi vi phạm này rất nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng”.
Trên đây là những ý kiến của người tiêu dùng khi được hỏi. Họ cùng chung tâm trạng bức xúc và lo lắng, chỉ vì lợi nhuận, các đối tượng đã sản xuất gần 600 nhãn hiệu sữa, hàng triệu hộp sữa đã được người tiêu dùng mua và sử dụng trong khoảng thời gian dài, gây hậu quả khó lường.
Cơ quan điều tra khám xét các lô hàng sữa giả
Liên quan vụ việc này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 người về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Kết quả điều tra bước đầu của cơ quan Công an xác định, đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, đây là một trong những vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, có hàng nghìn người bị thiệt hại trong vụ án này, gây bức xúc trong dư luận xã hội và đe dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng. Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gian dối và xử lý đối với những người đã tiếp tay cho các hoạt động bán hàng giả này để xử lý theo quy định của pháp luật.
“Hàng giả được cơ quan chức năng xác định lần này là sữa bột dành cho phụ nữ mang thai, trẻ em và cho người già. Điều đáng chú ý là có rất nhiều các thành phần sản phẩm đang quảng cáo là rất tốt cho sức khỏe, nhưng cơ quan chức năng lại xác định không có trong các thành phần của sữa này, chất lượng của sữa không đảm bảo được 70% so với chất lượng công bố. Chính vì vậy, dưới góc độ pháp lý, với kết quả xác minh như vậy đã có đủ căn cứ để xác định, đây là hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả”.
“Với hành vi sản xuất buôn bán hàng giả với số lượng đặc biệt lớn như vậy, các bị can sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất, có thể đến 20 năm hoặc tù chung thân. Trong vụ việc này, có rất nhiều người đã từng mua sữa, sử dụng các loại sữa được xác định là giả sẽ được xác định là người bị hại, hoặc là người có quyền lợi liên quan, có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân này phải hoàn trả số tiền mà đã nhận, đã bán. Nếu có thiệt hại về sức khỏe, người mua có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, hành vi làm ăn gian dối, bán sữa bột giả để kiếm lời là điều không thể chấp nhận được trong kinh doanh. Dư luận đòi hỏi cần phải xử lý thật nghiêm, thậm chí có thể mức án cao nhất. Đã đến lúc phải gióng hồi chuông báo động về đạo đức văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của một bộ phận doanh nghiệp mà lấy lợi nhuận, bỏ qua tất cả những nguyên tắc, những quy định pháp lý, đạo đức.
“Chúng ta đang từng bước hội nhập, sữa bột giả sẽ làm giảm sút giá trị niềm tin thị trường đối với hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh việc xử lý nghiêm như một điển hình, các quan chức năng cần phải có sự chủ động hơn nữa, kết hợp cùng các kênh giám sát xã hội khác, đặc biệt là báo chí và người dân để sớm phát hiện, ngăn chặn những vụ án tương tự để không lặp lại. Đặc biệt là tăng chế tài luật định hiện nay để xử lý”, TS. Nguyễn Minh Phong quả quyết.
Gần 700 nhãn hiệu sữa giả được tuồn ra thị trường trong 4 năm qua
Trước thực trạng hàng giả, kém chất lượng tràn lan như hiện nay, ông Bùi Thanh Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đề xuất: Các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, điều tra, xác minh để giải quyết kịp thời thông qua chế tài xử lý nghiêm minh, mang tính răn đe.
“Các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan có chuyên môn làm sao đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát. Những hành vi vi phạm pháp luật phải có chế tài xử lý cho nghiêm minh. Còn người tiêu dùng không có cách nào khác phải nâng cao kỹ năng tiêu dùng, nhất là trong điều kiện thương mại điện tử, mua bán trên không gian mạng phát triển như hiện nay”, ông Thủy nói.
Thực tế, nhiều năm qua, người tiêu dùng đã chứng kiến không ít vụ việc thực phẩm giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả và giờ là sữa giả... Vụ việc này là một bài học đắt giá, gần 600 nhãn hiệu sữa giả bị phanh phui, đặt ra những câu hỏi về việc tự công bố chất lượng sản phẩm sữa, vai trò hậu kiểm và trách nhiệm của các cơ quan quản lý...
Bá Toàn/VOV1