Chiều 7.1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tính đến cuối tháng 11.2024, tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money là hơn 10,14 triệu tài khoản; trong đó số lượng tài khoản của khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo hơn 7,27 triệu tài khoản (chiếm khoảng 72% tổng số tài khoản đăng ký và sử dụng dịch vụ).
Tổng số lượng điểm kinh doanh được thiết lập là 11.889 điểm; trong đó số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 7.508 điểm, chiếm khoảng 63% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập.
Tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán là 276.154; trong đó chủ yếu là các đơn vị chấp nhận thanh toán cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục, viễn thông, dịch vụ công...
Từ khi được triển khai thí điểm đến cuối tháng 11.2024, tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile-Money của khách hàng (bao gồm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền/thanh toán) đạt hơn 181 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch gần 6.193 tỉ đồng. Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng nghị định quy định về dịch vụ Mobile-Money, để tạo hành lang pháp lý chính thức đối với dịch vụ này.
Ông Lê Văn Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian qua các tổ chức tín dụng đã tích cực truyền thông, bố trí nhân lực làm việc ngoài giờ, hỗ trợ khách hàng xác thực sinh trắc học. Việc này nhằm không bị gián đoạn khi giao dịch ngân hàng điện tử từ 1.1.2025.
Hiện gần 73% khách hàng cá nhân có phát sinh trên kênh điện tử đã xác thực sinh trắc, tương đương 84,7 triệu khách hàng. Con số này thống kê theo mã khách hàng cá nhân tại từng ngân hàng, song chưa lọc trùng giữa các đơn vị với nhau. Tức có thể còn tình trạng một người đồng thời là khách hàng của nhiều nhà băng. Một số ngân hàng có tỷ lệ xác thực cao như VietinBank (83%), Vietcombank (92%), BIDV (88%) và Agribank (66%).
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một số giao dịch ngân hàng điện tử buộc xác thực sinh trắc học từ 1.1.2025. Theo đó, khách hàng đã xác thực sinh trắc học mới được rút tiền, thanh toán trực tuyến từ tài khoản hoặc giao dịch thẻ online.
Sau khi áp dụng các yêu cầu về xác thực sinh trắc học theo từng giai đoạn, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết từ tháng 7 năm ngoái đến nay tình trạng lừa đảo chuyển tiền giảm, nhưng khó có biện pháp ngăn chặn tuyệt đối.
Những khách hàng chưa hoàn tất xác thực sinh trắc học sẽ không thể giao dịch chuyển khoản với bất kỳ giá trị nào; không thể liên kết, giao dịch thanh toán trực tuyến từ ví điện tử/tài khoản ngân hàng; không thể nộp, rút tiền giữa ví điện tử và tài khoản ngân hàng...
Đối với thẻ thanh toán và thẻ ghi nợ, từ 1.1, khách hàng cũng sẽ không thể tiếp tục sử dụng nếu giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận cư trú hết hạn hoặc chưa cập nhật giấy tờ tùy thân thành căn cước công dân/thẻ căn cước.
Tuyết Nhung