Các ca bệnh ghi nhận chủ yếu là trẻ nhỏ từ 1 đến 10 tuổi. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng ngứa da kéo dài, nổi mẩn đỏ, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, khó ngủ hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân.
Một trường hợp điển hình là bé N.Q.T (9 tuổi, xã Tam Hợp, huyện Tân Kỳ) bị nổi mẩn ngứa ở tay, bụng và mông suốt hơn hai tuần. Gia đình đã mua thuốc mỡ bôi da nhưng không hiệu quả. Khi đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, các bác sĩ phát hiện em bị nhiễm giun đũa chó mèo – một loại ký sinh trùng có thể lây qua tiếp xúc với lông hoặc phân chó, mèo.
Tương tự, bé N.Đ.A (43 tháng tuổi, trú tại Hà Tĩnh) đến khám trong tình trạng ngứa dữ dội, mất ngủ và đau bụng kéo dài. Xét nghiệm cho thấy bé nhiễm sán dây chó – một loại ký sinh trùng nguy hiểm có thể di chuyển đến gan, phổi và cả não nếu không được phát hiện sớm.
Theo thống kê từ Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, trong gần 900 trẻ được xác định nhiễm ký sinh trùng: Khoảng 35% dương tính với sán dây chó, gần 45% nhiễm giun đũa chó mèo (Toxocara).
Từ đầu năm 2025 đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận gần 900 ca trẻ em nhiễm ký sinh trùng như giun đũa chó mèo và sán dây (Ảnh: Bệnh viện sản nhi Nghệ An)
Theo Bác sĩ Vương Thị Minh Nguyệt – Trưởng khoa Khám bệnh cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận nhiều ca trẻ có biểu hiện da liễu nhưng thực chất là do ký sinh trùng gây ra. Nhiều phụ huynh chủ quan, tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến chẩn đoán muộn và kéo dài quá trình điều trị.”
Điều nguy hiểm là giun sán không chỉ cư trú ở đường ruột mà còn có thể lan sang gan, phổi, mắt và thậm chí hệ thần kinh trung ương, gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến nhiễm giun sán từ chó mèo là do trẻ thường xuyên tiếp xúc với chó mèo nuôi trong nhà mà không có biện pháp phòng vệ: Chơi đùa, để vật nuôi liếm tay, mặt, hoặc không rửa tay sau khi chạm vào thú cưng. Phân chó mèo chứa trứng ký sinh trùng cũng có thể phát tán ra đất cát – nơi trẻ hay chơi đùa – và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể thông qua miệng hoặc da.
Thói quen không tẩy giun định kỳ cho chó mèo, để vật nuôi đi vệ sinh bừa bãi, cho trẻ ăn uống không hợp vệ sinh...cũng góp phần khiến ký sinh trùng lây lan trong cộng đồng.
Con số gần 900 trẻ em nhiễm giun sán từ chó mèo tại Nghệ An là hồi chuông cảnh báo rõ ràng cho các bậc cha mẹ về nguy cơ từ việc nuôi thú cưng thiếu kiểm soát. Việc nuôi chó mèo không sai, nhưng cần thực hiện đúng cách, đúng vệ sinh, đặc biệt khi trong gia đình có trẻ nhỏ.
Sức khỏe của trẻ em phụ thuộc phần lớn vào sự quan tâm và hiểu biết của người lớn. Đừng để những thói quen nuôi thú cưng thiếu an toàn làm ảnh hưởng đến tương lai của các em.
Tuấn Anh - Quang Minh