Gắn chất lượng đào tạo nghề với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực

Gắn chất lượng đào tạo nghề với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực
2 ngày trướcBài gốc
Sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào Hưng Yên đã mở ra hàng nghìn cơ hội việc làm nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực. Trước thực tế đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh đã chủ động đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, gắn chặt với nhu cầu thực tiễn. Mô hình liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - địa phương được đẩy mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Học nghề điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình.
Tại Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình, thời gian qua, công tác nâng cao chất lượng đào tạo nghề luôn được nhà trường đặc biệt chú trọng. Mục tiêu đặt ra là trang bị cho sinh viên đầy đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Từ năm 2020 đến nay, trường đã đào tạo 5.633 học sinh, sinh viên, trong đó có hơn 3.400 học sinh trình độ trung cấp. 100% học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp đều có việc làm. Ông Đặng Nguyên Mạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình cho biết: Chỉ có chất lượng đào tạo mới là cơ sở để nhà trường đáp ứng được yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực hiện nay. Bởi vậy, nhà trường tập trung cao vào việc nâng cao chất lượng trình độ của giảng viên; xây dựng, nghiên cứu điều chỉnh các chương trình đào tạo, biên tập các giáo trình tài liệu; đồng thời tổ chức thực hiện chương trình đào tạo kết hợp giữa nhà trường với các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề.
Đến đầu tháng 7, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 51 cơ sở GDNN, trong đó 37 cơ sở công lập, 14 cơ sở tư thục. Đội ngũ nhà giáo GDNN được đào tạo, bồi dưỡng tiến tới đạt chuẩn về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, năng lực sư phạm. Toàn tỉnh có hơn 410 cán bộ quản lý, trên 1.980 nhà giáo GDNN. Các cơ sở GDNN có diện tích, hạ tầng, trang thiết bị đào tạo cơ bản đáp ứng theo quy định. Nhằm gắn kết công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, các cơ sở GDNN đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo như: Sử dụng thiết bị của doanh nghiệp để dạy thực hành; hỗ trợ giáo viên là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề... tham gia giảng dạy tại trường, hướng dẫn học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp; đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp... Em Nguyễn Đức Kiên, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu cho biết: Em đang theo học nghề điện tử công nghiệp tại trường. Nhà trường tổ chức đào tạo theo hướng tăng thời lượng thực hành, giảm lý thuyết nên chúng em được tiếp xúc nhiều với thiết bị, máy móc hiện đại. Điều này giúp em hiểu bài sâu hơn và có thêm kỹ năng thực tiễn, tự tin hơn khi đi thực tập và làm việc sau này.
Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình là 1 trong 2 trường cao đẳng nghề trong cả nước có bệnh viện đa khoa trực thuộc trường với quy mô 51 giường bệnh, vừa là cơ sở khám, chữa bệnh phục vụ Nhân dân vừa là cơ sở thực hành lâm sàng cho sinh viên. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình cho biết: Nhà trường nghiên cứu, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp, trong đó mở 3 mã ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động; nhờ đó, giai đoạn 2020 - 2024 đã tuyển sinh được trên 2.500 sinh viên, đây là yếu tố tiên quyết để trường ổn định, phát triển. Ngoài ra, trường tăng cường liên kết hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế của Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc đào tạo ngoại ngữ, tập huấn nâng cao kỹ năng cho sinh viên, đưa sinh viên sang làm điều dưỡng tại các nước phát triển.
Theo ông Nguyễn Phúc Hiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Thời gian tới, ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn, bảo đảm về quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển cơ sở GDNN tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở GDNN trong doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo ngành, nghề, lĩnh vực có thế mạnh, GDNN ở nông thôn gắn với nhu cầu thị trường lao động. Phấn đấu đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có ít nhất một trường chất lượng cao thực hiện chức năng của trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, thực hành nghề chất lượng cao, phù hợp theo từng thời kỳ; nhằm dẫn dắt, lan tỏa và thực hiện liên kết vùng và tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành nghề mới, kỹ năng mới, kỹ năng tương lai, tổ chức đào tạo và nhân rộng các chương trình đào tạo chuyển giao từ các nước phát triển.
Xuân Phương
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/gan-chat-luong-dao-tao-nghe-voi-yeu-cau-phat-trien-nguon-nhan-luc-3182943.html