Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trò chuyện cùng giáo dân khi về tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại ấp Dốc Mơ 2, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất. Ảnh: S.Thao
Tại những ấp, khu phố có đông đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung, qua sự kết nối của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp, các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc và tín đồ cùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã xây dựng nên nhiều cách làm hiệu quả, thiết thực nhằm triển khai các chương trình, phong trào thi đua tại địa phương.
Gắn kết cộng đồng vì việc chung
Ông Nguyễn Tất Độ, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết năm 2024, cán bộ Mặt trận cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có: tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân, tham gia các chương trình an sinh xã hội. Vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền… Điều này đóng góp vào thành quả chung của tỉnh khi đời sống vật chất, tinh thần của người dân được đảm bảo, tình hình tư tưởng trong nhân dân cơ bản ổn định, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước không ngừng được nâng lên. Qua đó, thể hiện sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân không phân biệt lương giáo, thành phần dân tộc vì mục tiêu xây dựng Đồng Nai ngày càng phát triển.
Trong số 94 cá nhân được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh biểu dương, khen thưởng cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu nhân Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18-11), có 14 vị là người có đạo và 5 vị là người dân tộc thiểu số.
Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 1, phường Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa Tô Thị Ớt cho hay, người dân ở khu phố có nhiều thành phần dân tộc và tôn giáo. Ngoài gia đình thường trú còn có nhiều bà con từ các tỉnh, thành trong cả nước về sinh sống với nghề nghiệp chủ yếu là làm việc tại các công ty, buôn bán nhỏ. Để thuận tiện tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của bà con, khu phố tổ chức vào ban đêm. Quá trình triển khai Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm, được sự thống nhất của người dân nên thay vì tổ chức bữa cơm thân mật thì khu phố sử dụng tiền vận động cho ngày hội để mua quà tặng cho tất cả mọi người đến tham dự. Với những hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo thì phần quà giá trị lớn hơn so với mặt bằng chung.
Bên cạnh đó, theo chủ đề cũng như tính thời sự mà hàng năm trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khu phố còn tặng bà con gia đình khó khăn bình chữa cháy mini, thùng đựng rác để tiến tới gia đình nào cũng trang bị những vận dụng sinh hoạt cần thiết.
Tại ấp Tân Thịnh, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, 65% trong hơn 2,8 ngàn người là người có đạo. Theo bà Nguyễn Thị Kim Siêng, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp, ngoài những gia đình thường trú ấp còn có 172 người tạm trú ở các khu vực nhà trọ tập trung hay nhà thuê đơn lẻ. Để mỗi cá nhân, gia đình tạm trú này hòa nhịp cùng cộng đồng, Ban ấp phối hợp cùng các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc quan tâm, vận động tín đồ của mình chấp hành quy định pháp luật, tham gia các hoạt động tại khu dân cư, trong đó giữ gìn vệ sinh nơi sinh sống, không để xảy ra các tệ nạn xã hội…
Tích cực tham gia xây dựng quê hương
Bên cạnh sự tuyên truyền, vận động, kết nối của chính quyền, Mặt trận các cấp, tại những ấp, khu phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo sinh sống, bà con chủ động xây dựng nên điểm sáng trong thực hiện các mô hình xây dựng khu dân cư.
Như tại ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, nơi có trên 94% trong tổng số 6,8 ngàn người của ấp là đồng bào Công giáo, năm 2024, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, nhân dân, ấp được công nhận giữ vững danh hiệu ấp văn hóa và giữ vững ấp không có tệ nạn ma túy, mại dâm.
Linh mục Trần Mạnh Duyên, Chánh xứ giáo xứ Bùi Đệ (xã Bình Minh), cho hay thực hiện phương châm giáo dân tốt cũng là công dân tốt, sống phúc âm giữa lòng dân tộc, thời gian qua giáo xứ cùng chính quyền địa phương đã phối hợp tuyên truyền, đưa các phong trào thi đua vào đời sống bà con. Sự phối hợp này đã đem lại nhiều kết quả tích cực khi gia đình nghèo giảm dần qua từng năm, cảnh quan môi trường ngày một tốt hơn, an ninh trật tự được đảm bảo, sinh hoạt tôn giáo thuận lợi…
Linh mục Trần Mạnh Duyên, Chánh xứ giáo xứ Bùi Đệ (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom), tặng quà cho bà con trong ấp. Ảnh: Huy Anh
Theo bà Lương Thị Bảo Thùy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh, xã là nơi sống của nhiều thành phần dân tộc thiểu số và tôn giáo của thành phố. Bà con mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số hay tôn giáo đều mong muốn nơi mình sinh sống đường sá tốt hơn, người khó khăn trong khu dân cư được quan tâm nhiều hơn… Xuất phát từ thực tế đó, Mặt trận xã, ấp đã nỗ lực duy trì và nâng chất các mô hình cũ, xây dựng thêm những mô hình an sinh xã hội mới theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân với 16 hình thức.
Nhiều mô hình xuất phát từ địa phương này đã được Mặt trận nhiều nơi học tập để vận dụng tại khu dân cư. Riêng trong năm 2024, Mặt trận xã thành lập mới mô hình “Hòm thư Mặt trận lắng nghe ý kiến nhân dân”. Thông qua tiếp nhận thông tin từ hòm thư này, Mặt trận đã kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm và kiến nghị của nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số, tôn giáo đối với các vấn đề ở khu dân cư.
Năm 2024, thông qua vận động, Mặt trận xã, ấp kết nối nguồn lực của các tôn giáo, dân tộc trên 3,2 tỷ đồng làm 6 con đường bê tông xi măng, trồng 2,5 cây xanh các loại… góp phần nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu.
Để tiếp tục cụ thể hóa các nội dung và đưa sự phối hợp giữa các cơ sở tôn giáo, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện công tác an sinh xã hội, đóng góp nhiều hơn cho hoạt động xây dựng khu dân cư, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh duy trì ký kết phối hợp thống nhất hành động hàng năm. Riêng công tác đoàn kết đồng bào các dân tộc thiểu số được cụ thể hóa qua từng chương trình hành động. Nhờ vậy mỗi năm, các tổ chức tôn giáo, cộng đồng dân tộc thiểu số chủ động tham gia các phong trào do Mặt trận phát động liên quan đến đền ơn đáp nghĩa, trợ giúp nhân đạo.
Ông Bùi Văn Nam, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số xã Suối Nho, huyện Định Quán, cho hay cá nhân hay gia đình nào cũng muốn được sống trong môi trường lành mạnh, mọi người biết chia sẻ cùng nhau. Vậy nên, trong quá trình đảm nhận vai trò đại diện cộng đồng, ông cùng đồng bào cố gắng chấp hành quy định pháp luật, quy ước khu dân cư, đóng góp vào việc chung của ấp, xây dựng gia đình êm ấm và cuộc sống ổn định.
Võ Tuyên