Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp.
Ông Đào Văn Tưởng, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp, cho biết: Rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp nằm trên địa bàn 6 xã thuộc huyện Sốp Cộp và 3 xã của huyện Sông Mã. Thực hiện phương án quản lý rừng bền vững khu rừng đặc dụng, phòng hộ Sốp Cộp giai đoạn 2021-2030, Ban được giao gần 23.413 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đây là khu rừng có hệ sinh thái hết sức quan trọng, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm đang được quản lý, bảo tồn. Trong đó, có 670 loài, 404 chi, 124 họ, thuộc 5 ngành thực vật bậc cao; 420 loài thú, chim, bò sát, lưỡng cư và 588 loài của 91 họ, thuộc 14 bộ côn trùng.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp đã tăng cường phối hợp với chính quyền các xã, ban quản lý các bản tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành quy định của pháp luật bảo vệ rừng. Năm 2024, đơn vị đã tổ chức 28 hội nghị tuyên truyền cho gần 2.000 lượt người và ký cam kết bảo vệ, PCCCR. Đồng thời, chỉ đạo kiểm lâm phụ trách địa bàn phối hợp với chính quyền các xã và các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng của các bản nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện 445 lượt tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về bảo vệ, PCCCR.
Bên cạnh đó, đơn vị triển khai thực hiện tốt chính sách phát triển lâm nghiệp, chương trình dự án trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng, đa dạng sinh học và quản lý tài nguyên rừng bền vững. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu cho chính quyền các xã xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ, PCCCR, thực hiện quy chế quản lý mốc giới sản xuất nương rẫy tại những khu vực giáp ranh với rừng. Thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng trên địa bàn trong việc tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất cho 46 bản vùng đệm khu rừng đặc dụng - phòng hộ và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, giúp các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng có thêm điều kiện phát triển sinh kế, nhất là việc trồng rừng sản xuất.
Cách đây hơn chục năm, gia đình ông Quàng Văn Thin và một số hộ ở bản Liền Ban, xã Púng Bánh, đã chuyển đổi đất trồng cây lương thực ngắn ngày trên nương sang trồng rừng sản xuất, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc. Ông Quàng Văn Thin chia sẻ: Được Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp hỗ trợ, hằng năm, gia đình đầu tư mua cây giống trồng rừng; đến nay, gia đình trồng được hơn 18 ha cây thông mã vĩ. Trồng rừng sản xuất chỉ phải chăm sóc 4 năm đầu, khi cây khép tán sẽ được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Hiện nay, đang bước vào cao điểm mùa khô hanh, cùng với phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền quy định của pháp luật về bảo vệ, PCCCR, Ban Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Sốp Cộp tăng cường phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu cho UBND huyện củng cố Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR, chỉ đạo triển khai kế hoạch PCCCR mùa khô. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các xã củng cố các tổ, đội bảo vệ, PCCCR ở cơ sở; tổ chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác lâm sản trái phép. Tăng cường lực lượng theo dõi, cảnh báo nguy cơ, sẵn sàng phương án huy động lực lượng tại chỗ, xử lý kịp thời khi có tình huống cháy rừng xảy ra.
Ngọc Thuấn