Gần như toàn bộ cuộc sống đã xoay quanh môi trường số

Gần như toàn bộ cuộc sống đã xoay quanh môi trường số
2 giờ trướcBài gốc
Thông tin được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày 12/11 khi được các đại biểu đặt câu hỏi liên quan tới lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đặt câu hỏi về các phương án để quản lý mạng xã hội, chống tin giả, tin sai sự thật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính chất toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này, điều đầu tiên chúng ta cần phải thực hiện là hoàn thiện thể chế.
“Trước đây, chúng ta quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm pháp luật Việt Nam. Trước đây, chúng ta cho rằng, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng thật ra trách nhiệm lớn là đối với các nền tảng xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Theo Bộ trưởng, các nền tảng mạng xã hội phải có trách nhiệm rà quét, tự động, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc liên quan tới người dùng Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời các vấn đề được đại biểu quan tâm tại quốc hội ngày 12/11
Về phía trách nhiệm của người dân, Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta đang sống trong không gian mới là không gian số khoảng 10 năm trở lại đây, vì vậy vấn đề truyền thông để mọi người có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng cho không gian số, đào tạo cho cả thế hệ tương lai (học sinh, sinh viên) là rất cần thiết.
Bộ TT&TT đang tập trung vào 3 nhóm, trong đó khi người dân bị ảnh hưởng bởi thông tin sai, tin xấu độc thì có nơi để họ phản ánh, có nơi đề nghị giúp đỡ. Bộ đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm chống tin giả quốc gia và các địa phương cũng thành lập các Trung tâm như vậy.
Một vấn đề khác liên quan tới phát triển hạ tầng số cho chuyển đổi số, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ đang cố gắng hết sức để tháng 12 năm nay có thể hoàn thiện và ban hàng Nghị định, có cơ chế thông thoáng hơn nhiều để xây dựng các trạm phát sóng ở vùng sâu, vùng xa. Khi Nghị định này ra đời thì việc phủ sóng cho 751 vùng lõm sóng sẽ được thực hiện rất nhanh. Bộ TT&TT cũng đang chỉ đạo các nhà mạng đưa dịch vụ viễn thông tầm thấp về Việt Nam, đến những nơi không thể phủ sóng bằng di động mặt đất hoặc không hiệu quả, hoặc khó triển khai.
Bộ TT&TT đã yêu cầu đến tháng 6/2025 phải phủ sóng tất cả các vùng lõm sóng. Theo Bộ trưởng, khi không có sóng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, bởi giờ đây gần như toàn bộ cuộc sống đã xoay quanh môi trường số.
Trả lời ý kiến đại biểu về việc tắt sóng 2G, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ, nhà mạng phải dùng máy công nghệ mới để bù cho bà con đang sử dụng máy cũ khi tắt sóng 2G. Ở các nước, việc tắt sóng một công nghệ cũ được thực hiện khi chỉ còn dưới 2% số lượng người sử dụng. Ở nước ta, khi tắt sóng 2G, chỉ còn 0,2% người dùng, nên các nhà mạng có thể dễ dàng trong việc bù máy cho bà con. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, về vùng phủ sóng, công nghệ 3G, 4G phủ sóng tương đương với 2G.
Về vấn đề quản lý không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, không gian mạng không khác gì không gian thực, nếu không gian thực có bộ, ngành, địa phương, thì không gian mạng cũng có bộ, ngành, địa phương…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Chỉ khi nào việc của nhà nào, nhà đó thực hiện, ai làm gì trong thế giới thực, thì lên đó thực hiện công tác quản lý ở không gian mạng, thì không gian mạng mới lành mạnh được”.
CTV Hòa Linh/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so/gan-nhu-toan-bo-cuoc-song-da-xoay-quanh-moi-truong-so-post1135181.vov