Gang thép Thái Nguyên bị xử phạt do kê khai sai phí bảo vệ môi trường trong nhiều năm

Gang thép Thái Nguyên bị xử phạt do kê khai sai phí bảo vệ môi trường trong nhiều năm
9 giờ trướcBài gốc
Theo Quyết định số 1165/QĐ-XPHC do Chi cục Thuế khu vực VII ban hành thì TISCO thông qua Chi nhánh Mỏ sắt Tiến Bộ đã có hành vi kê khai không đúng phí bảo vệ môi trường đối với quặng sắt nghèo nguyên khai trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2024.
Vi phạm được xác định liên quan đến hoạt động khai thác tại mỏ sắt Tiến Bộ.
Cụ thể, các tờ khai theo mẫu 02/BVMT và 02/PBVMT nộp theo các thông tư của Bộ Tài chính từ năm 2017 đến nay đều không phản ánh đúng thực tế. Cơ quan thuế xác định Tisco có 1 tình tiết tăng nặng do vi phạm hành chính nhiều lần.
Hình thức xử phạt, phạt 9 triệu đồng; buộc nộp đủ số tiền phí bảo vệ môi trường thiếu vào ngân sách Nhà nước là 151,58 tỷ đồng; tiền chậm nộp tiền phí bảo vệ môi trường là 73,93 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền bị phạt vi phạm hành chính, tiền phí bảo vệ môi trường truy thu và tiền chậm nộp phí bảo vệ môi trường là hơn 225,5 tỷ đồng.
Việc kê khai sai loại tài nguyên đã dẫn đến xác định không chính xác mức phí phải nộp, vi phạm quy định về nghĩa vụ tài chính trong khai thác tài nguyên khoáng sản.
Được biết, mặc dù vướng sai phạm nhưng kết quả kinh doanh của TISCO trong 6 tháng đầu năm 2025 vẫn ghi nhận dấu hiệu phục hồi. Doanh thu thuần quý II đạt hơn 3.399 tỉ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 14,5 tỉ đồng, đảo chiều so với mức lỗ gần 1 tỉ đồng cùng kỳ năm 2024. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt trên 6.231 tỉ đồng, tăng hơn 18,6%; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5,3 tỉ đồng, tăng 6%.
"Thông báo về Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 1165/QĐ-XPHC của Chi cục thuế khu vực VII" của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) gửi tới toàn thể cổ đông.
Không thể phủ nhận, trong những năm qua, công tác điều tra cơ bản địa chất cũng như đánh giá, thăm dò khoáng sản đã được đẩy mạnh hơn. Đặc biệt, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản đã hoàn thiện pháp luật về khoáng sản, tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo môi trường và an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập rất cần được khắc phục nhằm đảm bảo những lợi ích chung của nhà nước và cộng đồng xã hội.
Hoạt động khai thác khoáng sản, trong nhiều trường hợp còn gây hậu quả xấu về nhiều mặt, như: làm phát sinh các chất thải nguy hiểm, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước; làm mất đa dạng sinh học; tàn phá rừng; sa mạc hóa đất đai; gây bồi lấp, sụt lún, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử…
Mặt khác, hầu hết hoạt động khai thác khoáng sản tập trung chủ yếu ở các vùng núi và trung du khiến phạm vi tác động sâu rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng rừng và diện tích đất rừng xung quanh khu vực khai thác.
Vụ việc trên một lần nữa cảnh báo về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định pháp luật.
Tuấn Mạnh
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/gang-thep-thai-nguyen-bi-xu-phat-do-ke-khai-sai-phi-bao-ve-moi-truong-trong-nhieu-nam-100615.html