Gặp 4 vấn đề sức khỏe do sai lầm khi bật quạt ngủ xuyên đêm

Gặp 4 vấn đề sức khỏe do sai lầm khi bật quạt ngủ xuyên đêm
7 giờ trướcBài gốc
Khi mùa hè đang dần gõ cửa với những đợt nắng nóng oi ả, không khí ngột ngạt và nền nhiệt độ tăng cao, việc tìm đến các phương pháp làm mát trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều gia đình. Trong số các thiết bị giải nhiệt phổ biến, quạt điện luôn là lựa chọn quen thuộc bởi giá thành rẻ, dễ sử dụng và tiêu thụ ít điện năng. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, quạt lại có thể trở thành "thủ phạm thầm lặng" gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt là khi ngủ.
Ảnh minh họa
Chia sẻ trên Daily Mail, bác sĩ Naheed Ali – chuyên gia y tế đến từ Mỹ – đã đưa ra cảnh báo rằng việc bật quạt suốt đêm và để quạt thổi trực tiếp vào cơ thể có thể kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những người có thể trạng nhạy cảm hoặc đang mắc các bệnh lý mãn tính về hô hấp.
Gia tăng nguy cơ khó thở, tức ngực ở người mắc hen suyễn và dị ứng
Theo bác sĩ Ali, một trong những tác động đáng lo ngại nhất là đối với những bệnh nhân bị hen suyễn hoặc có cơ địa dị ứng. Quạt hoạt động trong nhiều giờ liền và thổi thẳng vào người không chỉ đưa không khí mát đến cơ thể mà còn cuốn theo hàng loạt các hạt nhỏ trong không khí như bụi bẩn, phấn hoa, mạt bụi, gàu, hay sợi vải li ti từ chăn gối, nệm. Những hạt này chính là tác nhân gây kích ứng hệ hô hấp, đặc biệt với người có tiền sử hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng.
Việc hít phải các chất này trong khi ngủ có thể khiến đường thở bị viêm, gây cảm giác nặng ngực, khó thở và thậm chí làm bùng phát cơn hen vào buổi sáng sau khi thức dậy. Đối với người bình thường, đây có thể chỉ là cảm giác hơi nghẹt mũi hoặc khó chịu nhẹ, nhưng với bệnh nhân hen suyễn, hậu quả có thể nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời.
Gây khô mũi và cổ họng, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ
Không ít người có thói quen để quạt thổi cả đêm vì cảm thấy dễ chịu hơn trong cái nóng oi bức. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tiếp xúc liên tục với luồng gió mát trong thời gian dài có thể khiến niêm mạc mũi và cổ họng bị khô. Cơ thể con người vốn duy trì độ ẩm tự nhiên để bảo vệ các bộ phận này, nhưng gió quạt lại làm bay hơi lớp ẩm, khiến cổ họng trở nên rát, mũi bị khô, từ đó gây khó chịu và làm gián đoạn giấc ngủ.
Bác sĩ Ali cho biết, hiện tượng khô mũi và họng kéo dài sẽ khiến cơ thể phản ứng bằng cách tiết thêm chất nhầy. Kết quả là người dùng có thể bị tắc nghẽn xoang, khàn giọng, ho khan và có cảm giác vướng đờm trong cổ suốt cả ngày. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn hoặc virus tấn công, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Đau nhức cơ và cứng khớp do tiếp xúc với khí lạnh kéo dài
Không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp, việc để quạt thổi trực tiếp vào người trong thời gian dài – đặc biệt là trong khi ngủ – cũng có thể gây ra hiện tượng co cứng cơ bắp. Bác sĩ Ali giải thích rằng khi các nhóm cơ bị tiếp xúc với không khí lạnh liên tục suốt đêm (kéo dài từ 7–8 tiếng), nhiệt độ tại các mô cơ sẽ giảm xuống. Điều này làm các sợi cơ co lại như một phản ứng phòng vệ tự nhiên của cơ thể, khiến người dùng thức dậy trong trạng thái đau mỏi, cứng gáy, thậm chí là đau lưng hay tê bì tay chân.
Hiện tượng này càng dễ xảy ra ở những người có tư thế ngủ không hợp lý, hoặc ở người lớn tuổi – những đối tượng có khả năng tuần hoàn máu và phục hồi cơ bắp chậm hơn người trẻ. Nếu tình trạng này diễn ra liên tục, nó có thể ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe cơ xương khớp, làm tăng nguy cơ viêm khớp hoặc đau cơ mạn tính.
Ảnh minh họa
Sử dụng quạt khi ngủ sao cho ăn toàn sức khỏe?
Để sử dụng quạt một cách an toàn và hiệu quả trong mùa hè, người dùng cần lưu ý một số nguyên tắc quan trọng trong quá trình sử dụng. Trước hết, không nên để quạt thổi trực tiếp vào cơ thể, đặc biệt là vùng mặt, ngực hoặc lưng. Thay vào đó, nên đặt quạt ở chế độ xoay hoặc hướng quạt lên trần hoặc về phía góc phòng để tạo luồng khí lưu thông nhẹ nhàng, tránh tập trung gió vào một điểm cố định.
Ngoài ra, không nên đặt quạt quá gần giường ngủ, khoảng cách lý tưởng là từ 1,5 đến 2 mét. Việc hẹn giờ tắt quạt sau 1–2 giờ sử dụng ban đầu cũng là một cách giúp cơ thể không bị lạnh về đêm, khi nhiệt độ môi trường giảm xuống.
Một điều quan trọng khác là cần vệ sinh quạt thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn, mạt vải và các tác nhân gây dị ứng, vì khi quạt hoạt động, chúng có thể phát tán vào không khí và ảnh hưởng xấu đến đường thở, đặc biệt là ở những người có cơ địa nhạy cảm hoặc mắc bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng.
Khi ngủ, nên mặc đồ ngủ dài tay, chất liệu thoáng mát như cotton và đắp một lớp chăn mỏng để giữ ấm vùng ngực hoặc bụng, nhất là đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi – những đối tượng dễ bị nhiễm lạnh.
Trong trường hợp đang bị cảm cúm, đau cơ hoặc có vấn đề về hô hấp, nên hạn chế sử dụng quạt, hoặc chỉ dùng ở mức gió nhẹ và tránh để gió thổi trực tiếp vào người. Bên cạnh đó, có thể cân nhắc kết hợp các phương pháp làm mát khác như mở cửa sổ, đặt chậu nước trong phòng để tăng độ ẩm, sử dụng quạt phun sương, máy làm mát không khí hoặc điều hòa ở mức nhiệt độ phù hợp (26–28°C) nếu có điều kiện.
Phương Anh
Nguồn Gia Đình VN : https://giadinhonline.vn/gap-4-van-de-suc-khoe-do-sai-lam-khi-bat-quat-ngu-xuyen-dem-d206000.html