Gặp động vật hoang dã cần giải cứu, phải làm gì?

Gặp động vật hoang dã cần giải cứu, phải làm gì?
9 giờ trướcBài gốc
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa ra mắt phim truyền thông thứ 60 mang tên "Giải cứu động vật hoang dã, điện ngay ENV!" Với cách tiếp cận hài hước, phim khuyến khích cộng đồng ghi nhớ và thông báo vi phạm tới Đường dây nóng miễn phí bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) 18001522 của ENV.
Phim truyền thông “Giải cứu động vật hoang dã, điện ngay ENV!”
Tên gọi ENV thường bị nhầm lẫn với EVN, tên viết tắt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đã dẫn đến nhiều tình huống khôi hài. Từ thực tế này, phim ngắn chia sẻ một câu chuyện giả tưởng "dở khóc dở cười" khi một bà lão do nhầm lẫn giữa ENV và EVN đã mang chú "hổ con" cần được giải cứu đến Tập đoàn điện lực.
Từ năm 2005, ENV đã thiết lập Đường dây nóng miễn phí bảo vệ ĐVHD 1800-1522 nhằm khuyến khích người dân trên cả nước chủ động thông báo các vi phạm về ĐVHD. Các thông tin tiếp nhận qua Đường dây nóng được ENV chuyển đến cơ quan chức năng địa phương để kịp thời xử lý. Chỉ riêng trong năm 2024, ENV đã tiếp nhận hơn 1.900 vụ vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo với trung bình 7,3 vụ mới mỗi ngày.
"Bảo vệ ĐVHD không phải chỉ là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước," bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV, chia sẻ. "Mỗi cá nhân có thể đóng góp vào nỗ lực chung này bằng cách thông báo vi phạm tới cơ quan chức năng địa phương hoặc Đường dây nóng của ENV."
Một số vi phạm phổ biến thường được cộng đồng thông báo đến ENV như:
ĐVHD bị quảng cáo trên thực đơn hoặc nuôi nhốt tại nhà hàng.
Rùa, chim và các loài ĐVHD khác bị rao bán ở chợ, trên đường hoặc trong cửa hàng.
ĐVHD hoặc bộ phận, sản phẩm của chúng bị rao bán trên mạng xã hội.
Các đối tượng buôn lậu đang chuẩn bị hoặc trên đường vận chuyển trái phép ĐVHD.
ĐVHD bị nuôi nhốt làm cảnh (khỉ, rùa...).
Thuốc có nguồn gốc từ ĐVHD bị bày bán tại các cơ sở kinh doanh y dược cổ truyền
Bà Dung nhấn mạnh ý nghĩa sự tham gia của cộng đồng với công tác bảo vệ ĐVHD: "Mỗi thông báo vi phạm có thể góp phần giải cứu ĐVHD và bảo vệ đa dạng sinh học nước nhà."
ENV trân trọng cảm ơn và ghi nhận sự hỗ trợ của Tổ chức Thế giới Nhân đạo cho Động vật (Humane World for Animals) đã đồng hành cùng ENV trong nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng và giảm thiểu tình trạng tiêu thụ, buôn bán ĐVHD trái phép tại Việt Nam.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/gap-dong-vat-hoang-da-can-giai-cuu-phai-lam-gi-169250716111319428.htm