Những ngày đầu tháng 5 này vẫn rộn vang thanh âm và vũ điệu “Bản hùng ca toàn thắng” mở đầu khí thế Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Tiết mục kết hợp múa trống, múa lân và múa cờ, với sự tham gia trình diễn của 1.000 thành viên đội nghệ thuật Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Tiết mục "Bản hùng ca toàn thắng" tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Rộn vang dàn trống sấm kỷ lục
Trong tiết mục “Bản hùng ca toàn thắng”, dàn trống các loại đã mang đến bản hòa tấu đủ các cung bậc, từ trầm bổng vang vọng của tiếng núi sông, dồn dập, sục sôi khí thế đoàn quân xung trận… đến rộn ràng, náo nức reo vui chiến thắng.
Góp vào những cung bậc thanh âm, cảm xúc ấy là tiếng rền vang như sấm dậy của 8 quả trống sấm với đường kính hơn 2m, cao hơn 4m.
Bạn Nguyễn Trung Kiên (học viên năm 3 ngành Cảnh sát điều tra, khóa D48) là một trong số những học viên lĩnh xướng dàn trống sấm ấy hôm chính lễ.
Trung Kiên tham gia đoàn nghệ thuật trống hội của Học viện từ năm hai và từng biểu diễn trống sấm ở nhiều sự kiện ý nghĩa, như: Giải Taekwondo cảnh sát các nước châu Á mở rộng năm 2024 của Bộ Công an tại Quảng Ninh; chương trình Lửa ấm cao nguyên tại Đắk Lắk năm 2025; Vinh quang Công an nhân dân tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm năm 2025.
Trung Kiên cho biết, trong “Bản hùng ca toàn thắng”, trống sấm có thời lượng đánh giống như các cánh trống khác. Với thanh âm rền vang như sấm dậy, dàn trống sấm đảm nhiệm vai trò mở màn, giữ nhịp và kết thúc.
“Gắn với từng phần nội dung của tiết mục mà trống sấm dội vang những hồi dài ngắn, nhịp độ khác nhau. Chẳng hạn, phần kết của tiết mục, cả 8 quả trống cùng dậy liên hồi, dồn dập mang đến khí thế tưng bừng và tạo sự vang vọng mãi của bản hùng ca”, cậu nói.
Trung Kiên gắn bó với đội nghệ thuật HV Cảnh sát nhân dân từ năm 2024 và tham gia biểu diễn tại nhiều chương trình, sự kiện lớn. Ảnh: NVCC
Đánh trống sấm không chỉ đòi hỏi thể lực mà còn phải có sự dẻo dai. Có lúc chỉ cần cánh tay, có lúc toàn thân chuyển động để động tác được nhanh, mạnh, dứt khoát, khỏe khoắn nhất có thể.
Theo Trung Kiên, khi tập luyện các thành viên trong đội trống sấm phải làm quen được nhịp của bài, thuộc động tác và tập luyện để đồng đều động tác với nhau. Bên cạnh đó, đội còn hợp luyện với các cánh trống để có sự đồng điệu, ăn ý.
Thanh âm dàn trống sấm là một trong những điểm nhấn, tạo khí thế cho tiết mục. Ảnh: NVCC
Trong tiết mục "Bản hùng ca toàn thắng" có hai lá cờ đại là cờ Tổ quốc và cờ Đảng kích thước lớn. Ảnh: Ly Ly
Múa cờ Tổ quốc kích thước lớn
Màn múa cờ trong “Bản hùng ca toàn thắng”, nổi bật cờ Tổ quốc và cờ Đảng với kích thước lớn.
Người múa cờ Tổ quốc kích cỡ lớn là bạn Đặng Việt Hoàng (học viên Quản lý hành chính Học viện Cảnh sát) - thành viên đội nghệ thuật Học viện CSND. Trước khi biểu diễn ở TPHCM, cậu đã từng biểu diễn cờ đại trong nhiều dịp đặc biệt khác, trong đó có kỷ niệm thành lập lực lượng CAND, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng ở Đắk Lắk…
Đặng Việt Hoàng chia sẻ thách thức nhất khi biểu diễn là giữ thăng bằng khi đứng trên vai của các bạn, nhất là khi gió lớn. Vì vậy, trong thời gian luyện tập bên cạnh thực hiện các động tác tăng sức mạnh cho cánh tay, cậu còn tập các bài tập giữ thăng bằng. (Hình ảnh tập luyện tại TPHCM. Nguồn: Ly Ly)
Việt Hoàng cho biết, lá cờ đại có kích thước khoảng 3m x 5m, được điều khiển bằng sức mạnh và kỹ thuật phối hợp rất nhuần nhuyễn. Những động tác như xoay cờ, tung cờ, phất cờ thể hiện khí thế hào hùng, vững chãi và sức mạnh tập thể. Lá cờ đại không chỉ là đạo cụ mà là biểu tượng của thắng lợi, của niềm tin, và của hồn thiêng dân tộc.
Với Việt Hoàng, có mặt ở thành phố mang tên Bác trong những ngày tháng Tư lịch sử, được cảm nhận khí thế ngày hội non sông và được tham gia biểu diễn trong lễ kỷ niệm là điều may mắn, tự hào. Cậu bày tỏ: “Được hòa vào khung cảnh rừng hoa, rừng cờ và chứng kiến niềm hân hoan của đồng bào, cán bộ chiến sĩ trong các hoạt động, tôi càng cảm nhận rõ hơn sự hào hùng, thiêng liêng và tự hào dân tộc. Chính những điều đã tiếp thêm năng lượng để phất cờ Tổ quốc kích thước lớn trong tiết mục biểu diễn trước Dinh Độc lập”.
Bên cạnh việc hoạt động nghệ thuật, Việt Hoàng còn là gương mặt tích cực trong nhiều hoạt động tình nguyện, như hiến máu “Giọt hồng nghĩa tình”, “Chủ nhật Đỏ” và chiến dịch tình nguyện hè tại vùng sâu vùng xa. Trong học tập, cậu luôn đạt loại Giỏi và tham gia nhiều hội thi chuyên ngành, hội thao nghiệp vụ, hoạt động đào tạo kỹ năng mềm dành cho sinh viên khối LLVT.
Đặng Việt Hoàng tham gia biểu diễn cờ đại trong nhiều dịp đặc biệt khác . Ảnh: Xuân Tùng
Theo Việt Hoàng, được đứng trên sân khấu của những sự kiện lớn của đất nước và tham gia các hoạt động vì cộng đồng… đã giúp cậu có cơ hội cảm nhận được sâu sắc hơn tinh thần cách mạng, tự hào dân tộc cùng giá trị của hòa bình và độc lập, tự do, thống nhất; lòng biết ơn thế hệ đi trước. Từ đó có thêm động lực học tập và rèn luyện.
“Tôi hiểu rằng, để xứng đáng với màu áo của chiến sĩ công an nhân dân, cần phải giỏi chuyên môn và kỹ năng, vững vàng lý tưởng chính trị và sự nhân văn, nhân ái”, Việt Hoàng nói.
Tự hào non sông một dải, hòa bình đẹp lắm
Không chỉ hòa vào không khí lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những bạn trẻ gen Z của Học viện Cảnh sát nhân dân còn có dịp trải nghiệm trên hành trình tàu Thống nhất từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh và bồi đắp thêm cảm xúc "hòa bình đẹp lắm!"
Thành Đạt là một trong những thành viên của đội nghệ thuật Học viện CSND dự Đại lễ 30/4. Ảnh: NVCC
Quách Thành Đạt (năm 3, ngành Cảnh sát điều tra) thành viên đội múa trống, cho hay: Theo từng vòng quay của bánh xe đoàn tàu, cậu đã có cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của rừng biển, khung cảnh thanh bình của làng quê, nhộn nhịp của phố thị… trên dải đất hình chữ S thân yêu; được ngắm nhìn khí thế ngày hội non sông trên dải đất hình chữ “S”.
Thành Đạt chia sẻ thêm, trên hành trình đặc biệt ấy, những người trẻ sinh ra và lớn lên trong thời bình có dịp cảm nhận thêm về quê hương đất nước từ những giai điệu, lời ca của những bài hát cách mạng được sáng tác và được hát mang theo khí thế “tiếng hát át tiếng bom”, gắn với một thời hoa lửa của đất nước.