Cô giáo Hoàng Thị Hòa (ở giữa) cùng các thầy, cô giáo Trường Tiêu học 2, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum tại Thư viện hạnh phúc trong khuôn viên trường.
Là đảng viên thì làm gì, ở đâu cũng hết lòng, dốc sức
Cô Hòa trầm ngâm, bấm đốt ngón tay đếm khoảng thời gian mình có mặt trên vùng biên giới: “Thấm thoắt đã 32 năm rồi, anh ạ!”. Nhớ lại những ngày đầu gian khó, gắng gỏi, tuổi trẻ dấn thân mang “cái chữ” đến với con em đồng bào các dân tộc thiểu số, cô Hòa không kìm được những giọt nước mắt bởi chất chứa nhiều kỷ niệm, ký ức vất vả, gian nan… Nhưng theo cô: “Gian khó thì càng níu chân, vất vả không bỏ cuộc, anh ạ”.
Sinh năm 1972 tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa nhưng cô Hòa lại có duyên gắn bó với vùng đất Tây Nguyên suốt 32 năm qua. Bằng sự tận tụy, tâm huyết với nghề, cô đã đóng góp nhiều thành tích trong sự nghiệp “trồng người” trên vùng cao Ngọc Hồi, một huyện nằm ở ngã ba biên giới Việt Nam – Lào - Căm-pu-chia.
Trong giảng dạy, cô là người có kiến thức chuyên môn vững vàng, phương pháp dạy học lôi cuốn, sáng tạo nên học sinh khá háo hức, đón đợi mỗi giờ cô Hòa lên lớp. Dù là giáo viên dạy giỏi nhưng cô không ngừng trui rèn, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ các nguồn tài liệu tham khảo để nâng cao kiến thức, kỹ năng và chất lượng dạy học. Với trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm đam mê nghề nghiệp, từ khi còn là giáo viên đến lúc đảm nhiệm công tác quản lý ở các trường thuộc xã Pờ Y, Đăk Dục và đến bây giờ là Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2, thị trấn Plei Kần, cô Hòa luôn là đảng viên hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ hằng năm.
Từ năm học 2019 - 2020 đến nay, cô Hoàng Thị Hòa được điều động làm Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2, thị trấn Plei Kần. Tròn 5 năm qua, cô dồn hết tâm sức cho sự nghiệp “trồng người” ở ngôi trường mới; triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ giáo dục, tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi, thực chất, toàn diện, được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao.
Thầy giáo Nguyễn Văn Đức, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2, thị trấn Plei Kần cho biết: Đồng chí Bí thư Chi bộ luôn chú trọng xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất trong tập thể, tạo sự đồng thuận từ chi bộ đến cán bộ, đảng viên, giáo viên; sắp xếp công việc chi tiết, khoa học và hiệu quả. Mỗi công việc đều được cô giải quyết thấu đáo, hợp tình, hợp lý, trôi chảy… Cô có phong cách của một nhà lãnh đạo biết quan sát, biết lắng nghe và không ngừng học hỏi, dám nghĩ, dám làm; quan tâm đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, thường xuyên tổ chức dự giờ, thăm lớp, theo dõi nề nếp giảng dạy của giáo viên; khuyến khích thầy, cô giáo ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, phát huy tư duy, tính chủ động, sáng tạo của học sinh.
Thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” do Ngành Giáo dục - Đào tạo phát động, bằng những hành động gương mẫu, đi đầu trong các công việc, cộng với tác phong sinh hoạt và lối sống giản dị, khiêm nhường, cô đã tạo được tình cảm yêu thương, gắn bó của đồng chí, đồng nghiệp, các em học sinh, sự tin tưởng của chi bộ và là chỗ dựa tinh thần của cán bộ, đảng viên trong quá trình xây dựng, phát triển nhà trường. Cô Hòa tâm sự: “Mình là đảng viên thì làm gì, ở đâu cũng phải hết lòng, dốc sức”.
Sáng tạo mô hình “Trường học hạnh phúc”
Đây là một trong số trên 20 sáng kiến được cô Hoàng Thị Hòa khởi xướng, triển khai xây dựng tại trường Trường Tiểu học số 2 từ năm học 2019 - 2020 với 5 mô hình nhỏ gồm: Cổng trường an toàn; Môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn; Nâng bước em tới trường; Tiết kiệm làm theo lời Bác và Thư viện thân thiện. Mô hình đã và đang hiện hữu, lan tỏa tích cực tới đời sống không chỉ của giáo viên, học sinh mà còn được cộng đồng hết sức quan tâm, ủng hộ. Cô Hòa chia sẻ: Mô hình “Trường học hạnh phúc” với ước muốn mỗi ngày đến lớp là một ngày vui, không chỉ đối với 55 thầy, cô giáo mà còn đối với tất cả 893 học sinh, nhằm thu hút học sinh đi học chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục, tạo sự an tâm, tin tưởng của phụ huynh khi giao con mình cho nhà trường dạy dỗ.
“Cổng trường an toàn” là hướng dẫn học sinh thực hiện nghiêm túc việc xếp hàng, đi theo hàng ra về; hướng dẫn phụ huynh khi đưa, đón con em để xe đúng nơi quy định, tránh ùn tắc giao thông… Hiện nay, cổng trường không còn cảnh học sinh, phụ huynh chen lấn, dàn hàng ngang mà thông thoáng, thuận lợi, an toàn cho người tham gia giao thông qua đoạn đường trước cổng trường.
“Môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn” với mục đích cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh chú trọng cải tạo vườn hoa, vườn thuốc nam trong khuôn viên trường; trồng mới các loại hoa và cây cảnh xung quanh lớp học, tạo cảnh quan để các em được học tập, vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh.
“Nâng bước em tới trường” là mô hình mà cô Hoàng Thị Hòa đích thân vận động quyên góp để hỗ trợ 5 học sinh, mỗi em 300.000 đồng/tháng từ năm 2019 đến 2022. Từ năm 2023 đến nay, hỗ trợ 3 học sinh, mỗi em 400.000 đồng/tháng. Đồng thời, nhà trường tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho hàng trăm học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện với số tiền hàng chục triệu đồng.
“Tiết kiệm làm theo lời Bác” là mô hình được duy trì theo hình thức mỗi thầy, cô giáo tiết kiệm 1.000 đồng/ngày (trừ những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn). Trong năm học vừa qua, nhà trường đã ủng hộ xóa nhà tạm do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Plei Kần và xã Đăk Ang phát động trên 16,7 triệu đồng và hỗ trợ học sinh nghèo, thăm hỏi cha mẹ học sinh mắc bệnh hiểm nghèo, tặng quà người có công với cách mạng.
Còn “Thư viện thân thiện” được coi là sáng kiến “độc lạ” của cô Hòa bởi thư viện được xây dựng dưới các tán cây, chân cầu thang, hành lang lớp học, với những tủ sách di động được làm từ đồ tái chế như lon bia, vỏ chai nhựa, mây tre đan theo tiêu chí thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, đã mang lại những trải nghiệm thú vị cho các em học sinh, giúp các em có tinh thần học tập thoải mái và hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.
Đặc biệt, năm học 2023- 2024 với sáng kiến “Một số kỹ năng sử dụng phần mềm Powerpoint, Ispring thông qua xây dựng bài giảng E-Learning và một số trò chơi nhằm nâng cao chất lượng môn Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 2, 3 tại trường Tiểu học số 2 thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi” của cô Hoàng Thị Hòa được UBND tỉnh Kon Tum công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ năm học 2020 - 2021 đến nay, nhà trường luôn là đơn vị đẫn đầu của khối thi đua bậc tiểu học của Ngành, được UBND tỉnh tặng cờ “Đơn vị xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua”. Năm 2024, cô được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chúng tôi về Trường Tiểu học số 2 vào những ngày giữa tháng 11-2024. Tề tựu trong khuôn viên nhà trường rợp bóng cây xanh, các thầy, cô giáo Nguyễn Ngọc Hoàng, Phạm Thị Thúy Hằng, Trần Thị Mỹ Tú, Lê Thị Thu Thương, Nguyễn Thị Sen, Hoàng Thị Huyền Thư… những người đã gắn bó nhiều năm đều có chung cảm nhận về người đồng nghiệp của mình. Thầy Nguyễn Văn Đức nói: “Hình ảnh cô giáo Hòa cần mẫn, nhiệt huyết với công việc, hết lòng vì học trò thân yêu luôn ở trong trái tim chúng tôi và các thế hệ học trò. Cô là người có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, tận tụy với nghề; được cha mẹ học sinh, học sinh và đồng nghiệp tin yêu, kính trọng; là người có năng lực sư phạm, có nhiều sáng kiến được áp dụng hiệu quả, thực chất trong công tác giảng dạy của nhà trường”.
Thầy giáo Kiều Quốc Tường, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Ngọc hồi nhận xét: Cô giáo Hoàng Thị Hòa luôn gương mẫu, dám đổi mới, là một nhà giáo tâm huyết với nghề, có năng lực chuyên môn vững vàng, luôn truyền cảm hứng, đánh thức ước mơ, khát vọng vươn lên của các em học sinh, để các em tự tin vững bước vào đời.
Có thể khẳng định, thành tích mà cô giáo Hoàng Thị Hòa đạt được nhiều năm qua đã góp phần tích cực vào các phong trào thi đua: “Dạy tốt, học tốt”; “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum.
Nguyễn Ngọc Diễm