Gặp gỡ người lưu giữ hồn cốt, tinh túy của báo giấy

Gặp gỡ người lưu giữ hồn cốt, tinh túy của báo giấy
7 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, độc giả đang quen dần với báo điện tử qua các thiết bị nhỏ gọn. Song giữa nhịp sống hối hả vẫn có một người miệt mài sưu tầm và gìn giữ những tờ báo giấy như một cách để trân trọng giá trị cốt lõi của báo chí Việt Nam qua từng thời kỳ.
Ông Nguyễn Phi Dũng - người sở hữu kho báo đồ sộ luôn niềm nở mỗi khi có khách đến tham quan.
Không chỉ có tiếng trong lĩnh vực điện tử, tin học, máy tính ở tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Phi Dũng còn là nhà sưu tầm báo chí hàng đầu Việt Nam. Chúng tôi có cơ duyên được đến thăm "kho tàng” báo chí của ông, dù chỉ gặp trong một khoảng thời gian ngắn nhưng ai cũng cảm nhận được niềm đam mê mãnh liệt của ông với những trang báo giấy. Chứng kiến những thứ ông đã dày công sưu tầm, lưu giữ mới thấy công việc ông làm mang một giá trị sâu sắc cho thế hệ mai sau.
Ông Nguyễn Phi Dũng, sinh năm 1961, hiện đang sống tại thành phố Nam Định. Từ năm 2016, ông bắt đầu sưu tầm tất cả các loại báo cũ phát hành tại Việt Nam. Thông qua các mối quan hệ trong giới sưu tầm đồ cổ đến mạng xã hội, ông Dũng săn lùng mua báo một cách nhanh chóng. Chỉ cần có cuộc điện thoại gọi đến nói nơi bán báo, ông đến tận nơi để mua bằng được. Đến nay, bộ sưu tầm của ông đã có khoảng hơn 400 nghìn tờ báo của hơn 1.000 đầu báo, ước tính khối lượng lên tới gần 21 tấn. Đặc biệt, trong đó có những tờ báo tuổi đời hàng trăm năm, trị giá hàng chục triệu đồng hay những tờ báo cách mạng thời kỳ đầu như Cứu Quốc, Độc Lập, Cờ Giải Phóng, Gia Định báo… có trị lịch sử. Tháng 11/2024, tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận xác lập kỷ lục cho ông Nguyễn Phi Dũng, nhà sưu tầm báo giấy phát hành tại Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến nay với số lượng nhiều nhất.
Hiểu được các số báo giấy xưa theo cùng năm tháng sẽ trở nên khó tìm, ông Dũng xem các số báo mình sưu tầm là ‘‘báu vật” nên cất giữ cẩn thận. Ông Dũng chia sẻ: "Ngày xưa, cha tôi là cụ Nguyễn Phi Hùng có sở thích đọc, sưu tầm và đóng quyển báo từ những năm 1970, nhưng vì cuộc sống khó khăn phải bán. Sau khi ông mất, tôi vẫn giữ và bảo quản số lượng báo của bố sưu tầm. Đến năm 2016, khi có điều kiện hơn, tôi mày mò đi tìm, lưu trữ các số báo cũ từ thế kỷ trước”.
Nhiều số báo đầu tiên của các cơ quan báo chí lớn trong nước được lưu giữ tại kho của ông Dũng.
Trong phòng sưu tầm, hàng nghìn tờ báo được ông Nguyễn Phi Dũng xếp gọn gàng và phân loại theo từng chủ đề, thể loại, mốc thời gian, tính thời sự… Trăn trở về phương pháp lưu giữ báo, ông tìm nhiều cách để bảo quản như lắp điều hòa, hệ thống phòng cháy, thiết bị hút ẩm, thường xuyên duy trì nhiệt độ phòng 20 - 22 độ C để tránh mối mọt. Với những tờ báo đặc biệt quý hiếm, ông bảo quản bằng cách bọc từng tờ bằng giấy nilon và đặt cẩn thận trong tủ kính. Ông còn luôn tìm hiểu và dành thời gian tham gia các diễn đàn nhằm học hỏi, chia sẻ và sưu tầm thêm từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước. Đối với ông, báo chí phản ánh thông tin đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… qua các thời kỳ của đất nước. Lưu giữ những ấn phẩm báo chí chính là để thế hệ sau có thể hiểu được cha ông chúng ta đã sống, chiến đấu, bảo vệ đất nước... như thế nào, cũng như thấy rõ sự phát của đất nước qua từng thời kỳ.
Qua thời gian, lượng báo ngày một nhiều hơn, những tờ báo giấy cũng sẽ khó giữ được nguyên vẹn, công tác bảo quản cũng gặp không ít khó khăn. Ông Dũng hy vọng sẽ sớm có một Bảo tàng báo chí tư nhân đầu tiên tại Việt Nam và mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ ông đạt được tâm nguyện lưu trữ và bảo quản các ấn phẩm cũng như chuyển đổi số để bảo quản tư liệu cho các thế hệ sau.
Hoàng Dương
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/16/200462/gap-go-nguoi-luu-giu-hon-cot,-tinh-tuy-cua-bao-giay.htm