Tọa đàm “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng" có nội dung lịch sử xuyên suốt từ năm 1954 đến năm 1975 với 3 chủ đề: Miền Bắc - hậu phương vững chắc; Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - thống nhất đất nước.
Chương trình đã mang đến cho khán giả những câu chuyện chân thực, đầy cảm xúc về một thời bom đạn của các nhân chứng lịch sử, những người đã trực tiếp tham gia và chứng kiến các sự kiện quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc qua những chia sẻ của: Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn; NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng; ông Nguyễn Xuân Thuần; Đại úy Vũ Đăng Toàn; ông Phạm Duy Đô; Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên; ông Nguyễn Văn Tập; KTS Nguyễn Hữu Thái…
Phần giao lưu cùng những người lính xe tăng 390 và đạo diễn Phạm Việt Tùng
Tại buổi giao lưu, khán giả đã được gặp lại nữ dân quân trung đội pháo 12 ly 7 tham gia trận chiến bảo vệ đập Phùng - Đặng Thị Ty. Khi đó bà Ty ở độ tuổi 18 đôi mươi, được kết nạp Đảng. Cùng với các chị em khác của phong trào Ba đảm đang, bà được phân công làm nhiệm vụ trực chiến tại đập Đáy với khẩu súng 12ly7.
Hay câu chuyện của bà Nguyễn Thị Sang, khi 20 tuổi được giao nhiệm vụ phụ trách những đoàn tàu quân sự chở bộ đội vào Nam tiếp viện cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Bà Sang vừa tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải, được giao Trưởng tàu, phụ trách tổ tàu “ Ba đảm đang” ngành Đường sắt Việt Nam. Tổ tàu “Ba đảm đang” gồm các đồng chí nữ, có 8 thành viên, phục vụ 13 đến 15 toa. Khi có máy bay địch đánh phá, thành viên tổ tàu phải phát tín hiệu cho tàu dừng kịp thời. Lúc đó, địa điểm hay bị oanh tạc nhất là ga Thanh Hóa.
Cũng tại tọa đàm, khán giả còn được gặp lại Đại tá, Anh hùng LLVT Đinh Thế Văn, người có mặt tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Năm nay đã ở độ tuổi ngoài 80 nhưng ông Đinh Thế Văn còn rất minh mẫn. Ông nói về trận Điện Biên Phủ trên không bằng một niềm tự hào ngời sáng. Bởi trên thế giới chưa nước nào đánh thắng B52 nhưng bằng sự thông minh và ý chí quyết thắng, quân đội Việt Nam đã lập nên kỳ tích, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đám phán Hiệp định Paris.
Các vị khách mời đã tham gia chương trình giao lưu
Đặc biệt, tại chương trình giao lưu, khán giả còn được lắng nghe những chia sẻ của các nhân chứng lịch sử có mặt tại dinh Độc lập đầu tiên. Đó là những người lính của chiếc xe tăng 390 huyền thoại, húc đổ cổng dinh Độc Lập, làm nên giây phút lịch sử, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
“Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến, đi trên nhiều con đường quanh co, ác liệt, nhưng có lẽ khúc cua đưa xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập vào trưa 30-4-1975 là khúc cua đẹp nhất của đời tôi”, ông Nguyễn Văn Tập, người lái chiếc xe tăng 390 chia sẻ.
Ngoài những câu chuyện của các nhân chứng lịch sử, công chúng còn được nghe chuyện kể của đạo diễn Phạm Việt Tùng, người đã có nhiều thước phim ghi lại những thời khắc lịch sử của dân tộc và cũng là một trong những phóng viên chiến trường đồng hành cùng đoàn quân Nam tiến giải phóng miền Nam. Ông là tác giả của hình ảnh máy bay B52 của Mỹ rơi trên bầu trời Hà Nội trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không năm 1972; hay hình ảnh chiếc xe tăng nghiến lên lá cờ ba sọc của Ngụy quyền…
Trong khuôn khổ chương trình, công chúng còn được xem triển lãm giới thiệu những tài liệu, hiện vật quý giá, phản ánh sự kiên cường, bền bỉ và niềm tin bất diệt của người dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1954-1975, cũng như tôn vinh những chiến công vĩ đại đã góp phần vào chiến thắng của dân tộc.
Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội khẳng định, chương trình là một lời tri ân của thế hệ hôm nay với các thế hệ cha anh đã một thời oanh liệt, hào hùng, không tiếc tuổi xuân, hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân. Điều này càng trở nên đặc biệt thiêng liêng trong những ngày tháng 4 lịch sử này, cả nước hân hoan hướng về cột mốc lịch sử trọng đại 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước giang sơn thu liền một dải.
Thanh Xuân