Các nhân chứng lịch sử có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội dự.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, Hà Nội tổ chức sự kiện này nhằm ôn lại truyền thống cách mạng của Thủ đô, ý chí và niềm tin quyết thắng của người Hà Nội qua hai cuộc kháng chiến và vinh danh những con người đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của dân tộc.
Trong khuôn khổ sự kiện, Bảo tàng Hà Nội đã trưng bày Triển lãm “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng” giới thiệu tranh ảnh, tài liệu, hiện vật quý, phản ánh truyền thống kiên cường, bền bỉ và niềm tin chiến thắng của người Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1954-1975, tôn vinh những chiến công đã góp phần vào chiến thắng của dân tộc.
Các đại biểu tham dự.
Chương trình Giao lưu với nhân chứng lịch sử đã tái hiện hình ảnh Thủ đô qua cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Hà Nội là cái nôi khởi nguồn phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ, phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên. Người Hà Nội hào hoa ra trận, mang theo tình yêu đất nước, tình yêu với người mẹ và Thủ đô anh hùng.
Hai nữ nhân chứng, bà Đặng Thị Tỵ, nữ dân quân súng máy phòng không 12,7 ly, bà Nguyễn Thị Sang, Trưởng đoàn tàu “Ba đảm đang” đưa hàng vạn thanh niên sinh viên ra trận.
Các nhân chứng tham dự tọa đàm gồm: Bà Đặng Thị Tỵ, nữ dân quân súng máy phòng không 12,7 ly, bà Nguyễn Thị Sang, Trưởng đoàn tàu “Ba đảm đang” đưa hàng vạn thanh niên sinh viên ra trận; Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân), đã chỉ huy Tiểu đoàn bắn rơi 4 “pháo đài bay” B-52 của Mỹ (3 chiếc rơi tại chỗ), góp phần làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm tháng 12/1972;
Nghệ sĩ Ưu tú, đạo diễn Phạm Việt Tùng, tác giả nhiều phóng sự truyền hình nổi tiếng, chân thực về những sự kiện và những người đã làm nên lịch sử đặc biệt về 12 ngày đêm Hà Nội-Điện Biên phủ trên không;
Kíp chiến đấu Xe tăng 390, chiếc xe “báu vật quốc gia” đã húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập buổi trưa ngày 30/4/1975, gồm Trưởng xe Vũ Đăng Toàn, pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên, lái xe Nguyễn Văn Tập; Đại đội trưởng Đặc công Phạm Duy Đô, người đã phất cờ chiến thắng trên tầng hai Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975;
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, nhân chứng lịch sử, người giới thiệu Chương trình đặc biệt tại Đài Phát thanh Sài Gòn để Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng; Trung tá Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 Bùi Văn Tùng thay mặt Quân giải phóng tuyên bố “Sài Gòn đã được giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng của Tổng thống Chính quyền Sài Gòn”.
Hai cựu chiến binh, sinh viên Lê Xuân Tường và Nguyễn Xuân Thuần xếp bút nghiên ra trận.
Các ông Nguyễn Xuân Thuần, Lê Xuân Tường khi đó đang là sinh viên đều xếp bút nghiên ra trận. Khán giả cũng được lắng nghe những lời tâm sự của nhạc sĩ Doãn Nho, nhạc sĩ Vĩnh Cát...
Những ký ức, kỷ niệm của họ đã truyền cảm xúc cho người nghe, cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, hướng tới tương lai phát triển bền vững.
Đại tá Đinh Thế Văn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đã chỉ huy Tiểu đoàn 77 Tên lửa, Trung đoàn 257, Sư đoàn Phòng không 361, bắn rơi 4 máy bay B-52 của Mỹ.
Trong dịp này, Bảo tàng Hà Nội đã tiếp nhận nhiều tài liệu, hiện vật của các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Những hiện vật này gồm đồ dùng, trang thiết bị quân sự, thư từ, hình ảnh, tài liệu hành chính, nhật ký và các kỷ vật khác từ thời chiến tranh, giúp thế hệ hôm nay và tương lai hiểu rõ hơn về những mất mát, hy sinh của thế hệ cha anh, truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
NINH CƠ