Thời gian qua, nhiều người bắt gặp và tỏ ra thích thú với một chiếc xe điện 3 bánh được khoác lên “chiếc áo” bằng tre, di chuyển trên các tuyến đường ở thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).
Trước khi nghỉ hưu vào năm 2014, ông Hồ Đức Hồng là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cam Lộ. Ảnh: Đức Tài.
Chủ nhân của chiếc xe ấy là ông Hồ Đức Hồng (71 tuổi, trú tại khu phố 4, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Ông Hồng cho biết, chiếc xe điện 3 bánh được ông mua vào năm 2023, thường dùng để đưa đón cháu đi học và chở vợ đi chợ.
“Ban đầu, chiếc xe không có mái che khiến vợ tôi, các cháu và cả tôi nữa phải chịu cảnh nắng nóng, bụi bặm hoặc mưa gió, ướt át khi di chuyển trên đường. Thấy vậy, tôi đã lên ý tưởng làm thêm bộ khung cho chiếc xe bằng những cây tre”, ông Hồng chia sẻ.
Nói là làm, sau khi có ý tưởng, ông Hồng thiết kế bản vẽ, ra vườn chọn những cây tre phù hợp để tạo bộ vỏ cho chiếc xe điện 3 bánh. Sau khoảng nửa tháng “thi công”, ông Hồng đã hoàn thành bộ vỏ ngoài dành riêng cho chiếc xe điện 3 bánh với những chi tiết: mái che, rèm chắn mưa, cửa kéo…
“Kể từ khi có “tấm áo” này, việc đưa đón cháu đi học, chở vợ đi chợ tiện lợi hơn hẳn, đỡ nắng, đỡ mưa. Giờ chạy chiếc xe ra đường có rất nhiều người nhìn ngó, họ thấy lạ mắt, thích thú”, ông Hồng cười nói.
Chiếc xe điện 3 bánh được khoác lên “chiếc áo” bằng tre. Ảnh: Đức Tài.
Không chỉ biến xe điện 3 bánh thành chiếc “xế hộp”, ông Hồng còn “thổi hồn” vào các thân tre để tạo nên những đồ dùng hữu dụng khác, như: cải tạo chiếc xe đạp 2 bánh thành xích lô gắn khung ngồi bằng tre, giường tre lưu động, bàn và khay trà, xây dựng chòi tre ngoài vườn… thậm chí là cả máy tập thể dục cho vợ.
Trong số này, ông Hồng rất yêu quý chiếc máy tập thể dục đã tự tay làm cho vợ. Bà Hồ Thị Nga (71 tuổi, vợ ông Hồng) cho biết, bà nguyên là cán bộ y tế ở huyện Cam Lộ nghỉ hưu từ 16 năm trước. Những năm gần đây bà Nga bị bệnh xương khớp phải thường xuyên vào bệnh viện tập các bài phục hồi chức năng, trong đó có bài tập đạp xe mô hình.
“Tôi lên mạng tìm hiểu, mày mò, dùng tre làm ra một chiếc máy phục hồi chức năng mô phỏng thiết bị của bệnh viện để tặng vợ. Sau 1 tháng, chiếc xe thể dục hoàn thành, tôi tặng vợ nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Nhận quà vợ tôi vui lắm, bà ấy rưng rưng hạnh phúc. Đây cũng là sản phẩm cuối cùng mà tôi làm trong năm 2024”, ông Hồng kể lại.
Máy tập thể dục ông Hồng tự làm để tặng vợ nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Ảnh: Đức Tài.
Không chỉ tiện lợi, các đồ dùng ông Hồng làm bằng tre cũng rất bền chắc, có thể kể như căn nhà sàn khá lớn ở giữa sân đã được xây dựng, hoàn thiện từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn có thể sử dụng bình thường, không bị mối mọt.
Để cây tre được bền chắc, ông Hồng bật mí, trước hết, phải chọn được những cây tre không quá già cũng không quá non, đốt tre có ánh vàng tươi. Sau khi chặt, tre được bó lại, đem ngâm dưới suối hoặc ao nước ít nhất 10 ngày mới mang lên sử dụng.
Việc ngâm nước này giúp cây tre tăng độ bền, có thể nói là bền vững, không hao mòn, hư hại, chống được mối mọt qua hàng chục năm. Ngoài ra, sản phẩm khi hoàn thiện sẽ được quét thêm một lớp dầu bóng để vừa tạo thẩm mỹ, vừa chống thấm.
Ông Hồng cho biết thêm, nhiều người ở trên địa bàn huyện Cam Lộ đã đến xem và ngỏ ý đặt làm nhưng bị từ chối khéo. Bởi lẽ, việc chế tạo, sáng tác này chỉ nhằm thể hiện năng khiếu bản thân, khỏa lấp nỗi nhớ về cây tre - hình ảnh gắn bó thân thiết với tuổi thơ của ông Hồng và phục vụ nhu cầu của gia đình.
“Cuộc sống bây giờ của tôi khá tốt, con cái lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Việc làm các sản phẩm từ tre, tôi xem như là thú vui tuổi về già, không có ý định bán sản phẩm, nhưng sẵn sàng chỉ cách làm, tặng tre cho ai có cùng đam mê”, ông Hồng bộc bạch.
Nghĩa Văn