Gặp những người mà 'Tết là mưu sinh'

Gặp những người mà 'Tết là mưu sinh'
2 giờ trướcBài gốc
“Chụp tấm ảnh gia đình nghen chị ơi! Hôm nay thời tiết mát mẻ, mình chụp tấm ảnh kỷ niệm đường hoa ngày Tết đi chị. Tôi lấy giá rẻ thôi, chụp xong có ảnh ngay” – ông Ngô Văn Ngọt (61 tuổi), thợ chụp ảnh tại khu vực đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) cần mẫn chào mời khách du xuân.
Một thợ chụp ảnh chụp hình cho khách tại đường hoa xuân Ất Tỵ 2025
Không dám vồn vã hoặc đến quá gần để tiếp cận khách, ông Ngọt chỉ có thể đứng từ xa, đưa một ngón tay ra hiệu với ngụ ý xem thử khách có nhu cầu chụp hình không. Nếu khách gật đầu, ông mới dám đến gần.
Tranh thủ lúc nghỉ giải lao, ông Ngọt chia sẻ, nhà ở tận huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang. Từ mỗi độ cận Tết, thường khoảng 27 tháng Chạp, ông lại xách chiếc máy ảnh, bắt xe đò lên TPHCM chụp ảnh dạo ở các khu vui chơi, đường hoa để kiếm thu nhập. “Tính tới nay, tôi đã có hơn 30 lần đón năm mới ở TPHCM. Ngày Tết xa nhà, xa người thân cũng nhớ lắm, nhưng phải cố thôi vì cuộc sống” – ông Ngọt tâm sự.
Ông Ngọt quê An Giang, cứ mỗi dịp Tết lại lên TPHCM để làm nghề chụp ảnh dạo đến nay đã ngót nghét 30 năm
Tại đường hoa Nguyễn Huệ năm nay, tính sơ sơ đã có hơn 20 thợ chụp ảnh dạo hành nghề. Trước ngực họ có mang thẻ “HTX Nhiếp ảnh lưu động quận 1 – Xuân Ất Tỵ 2025”. Trong đó nhiều người ở những địa phương khác nhau, nhưng cứ đến Tết lại khăn gói lên TPHCM, chụp cho khách tham quan những tấm ảnh đẹp lưu giữ kỷ niệm ngày Tết.
Anh Hoàng (quê Long An) cũng có hơn 10 năm chụp ảnh dạo ngày Tết ở TPHCM. Trên người anh ngoài “cần câu cơm” là chiếc máy ảnh kỹ thuật số, còn có lỉnh kỉnh phụ kiện khác như nón lá, dù, cành hoa mai hoa đào… để khách cầm tạo dáng. Anh bộc bạch, năm nào khách đến du xuân đường hoa cũng rất đông nhưng thợ chụp ảnh thuê lại ế khách nhiều hơn.
Thợ chụp ảnh dạo ế khách vì bây giờ ai cũng có điện thoại xịn để tự chụp hình cho nhau
“Lý do là bây giờ ai cũng có điện thoại chụp ảnh rất đẹp, họ tự chụp cho nhau nên không cần thuê thợ nữa. Có hôm tôi đứng cả ngày, chào mời mỏi miệng nhưng chỉ nhận được những cái xua tay, lắc đầu” – anh Hoàng nói.
Giá cả thuê thợ chụp ảnh khá mềm, nếu khách chỉ lấy file (gửi hình qua điện thoại) giá chỉ 20.000 đồng/kiểu; nếu rửa thì giá chỉ 40.000 đồng/tấm.
Theo nhiều thợ chụp ảnh dạo, khoảng 10 – 15 năm trước, mỗi mùa Tết họ kiếm vài chục triệu đồng, còn bây giờ, trung bình chỉ khoảng 1 triệu đồng/ngày. Đường hoa xuân hoạt động khoảng 7 ngày, người thợ có thu nhập tầm 7 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí thuê nhà trọ, ăn uống sinh hoạt, họ còn tầm 4 – 5 triệu đồng.
Nhiều người chấp nhận đón Tết xa quê để mưu sinh kiếm thêm thu nhập
Dẫu thu nhập chẳng còn “ngon ăn” như trước, nhưng nhiều người thợ chụp ảnh di động này đều khẳng định, vẫn sẽ đến TPHCM mưu sinh dịp Tết. Bởi đó không chỉ là thói quen, mà còn là lòng yêu nghề, muốn góp thêm trong việc lưu giữ khoảnh khắc đẹp của các gia đình.
Gần khu vực Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, công viên 30/4 (quận 1)… rất nhiều người mưu sinh bằng nghề bán bong bóng bay, bán kem, bánh tráng nướng… cần mẫn chào mời từng vị khách đến mua hàng.
Một nghệ sĩ đường phố góp tiếng nhạc ngày xuân
Họ mưu sinh bằng đủ nghề, khách đi qua ai muốn cho bao nhiều thì cho, tùy lòng hảo tâm của mỗi người.
Chị Nguyễn Thị Thanh (31 tuổi, quê Bến Tre) bán bánh tráng trộn, bánh tráng nướng cho biết, đã chưa về quê dịp Tết gần 6 năm qua. “Gần Tết, ai cũng sửa soạn đồ đạc về với người thân, mình cũng nôn nao lắm chứ. Nhưng do hoàn cảnh, mình chấp nhận ở lại thành phố bán buôn, kiếm tiền gửi về lì xì con cháu ở quê. Ngày đầu năm mới, tôi có gọi video chúc Tết cả nhà, thấy ai cũng mạnh khỏe là mình yên tâm rồi” - chị Thanh trút bầu tâm sự.
Theo chị Thanh, bán buôn những ngày Tết tuy cực nhưng thu nhập gấp 2 – 3 lần ngày thường. Khách đi chơi mệt thường ghé vào ăn uống, nghỉ chân nên chị Thanh làm việc không ngơi tay. Thu nhập cũng vì vậy mà có hôm tới 2 triệu đồng. “Tôi chủ động nguồn nguyên liệu từ sớm nên giá ổn định, Tết nhưng mình vẫn không tăng giá bán nên khách thương, ủng hộ rất nhiều” – chị Thanh nói.
Xe kẹo chỉ tuổi thơ, kẹo bông được khách hàng mua để thưởng thức, cũng vừa để tạo dáng chụp ảnh
Một gian hàng vẽ chân dung bằng chì đắt khách.
Ngày thường phụ bán quán cơm ở chợ Bàn Cờ (quận 3), nhưng cứ Tết đến, vợ chồng chị Võ Thị Nhi (quê Nghệ An) lại bán bóng bay ở gần khu vực Thảo cầm viên Sài Gòn. “Ngày Tết, mình bán được khoảng 40 - 50 quả bóng bay mỗi ngày, giá từ 20.000 - 25.000 đồng/quả. Đầu xuân ai cũng vui vẻ, phấn khởi nên ít người trả giá, họ lại mua rất nhiều cho trẻ em cầm theo đi chơi. Khoảng một tuần bán hàng Tết, vợ chồng mình cũng kiếm được 6 - 7 triệu đồng, đủ tiền trả nhà trọ và đóng tiền học kỳ mới cho con” - chị Nhi bộc bạch.
Uyên Phương
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/gap-nhung-nguoi-ma-tet-la-muu-sinh-post1713600.tpo