Gấp rút chuẩn bị thích ứng với Luật Chống phá rừng của EU

Gấp rút chuẩn bị thích ứng với Luật Chống phá rừng của EU
11 giờ trướcBài gốc
Khách hàng tham quan gian hàng của Công ty CP Gỗ Lido thuộc Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai. Ảnh: V.Gia
Đối với Đồng Nai, các DN ngoài trồng rừng cũng đang nỗ lực để có thêm thông tin, tìm kiếm giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực thích ứng của mình tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.
Một số ngành hàng bị ảnh hưởng
EU quy định thời điểm áp dụng Luật EUDR từ tháng 12-2025, riêng với các DN từ tháng 6-2026.
EUDR áp dụng đối với 7 ngành hàng: gia súc chăn thả, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ; bao gồm cả những sản phẩm có nguồn gốc từ những ngành hàng trên như: da, chocolate, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ. EUDR áp dụng cho tất cả các chủ thể tham gia khai thác, sản xuất, chế biến, thương mại những ngành hàng nêu trên ở thị trường nội địa của EU, xuất khẩu ra EU và nhập khẩu vào EU.
Theo tiến sĩ Trương Tất Đơ, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT), EUDR cấm DN xuất khẩu hàng hóa vào EU gây mất rừng, suy thoái rừng, không tuân thủ pháp luật của quốc gia khai thác và xuất khẩu để nhập khẩu vào hoặc xuất khẩu từ thị trường EU.
Năm 2023, Đồng Nai đứng thứ 2 cả nước về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, thu về 1,32 tỷ USD; dự kiến năm 2024 sẽ đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD, tăng trưởng gần 15%.
Để đáp ứng việc thực hiện EUDR, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 1235/QĐ-BNN-HTQT ngày 4-5-2024 về việc thành lập nhóm công tác chung điều phối các hành động thích ứng với quy định của EUDR. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, hiện đã thành lập Tổ Công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động thích ứng với EUDR.
Bộ giao cho Cục Lâm nghiệp phối hợp với Tổ chức Forest Trends xây dựng mạng lưới EUDR lâm nghiệp trên nền tảng Google Groups nhằm chia sẻ và trao đổi thông tin, tài liệu liên quan đến EUDR. Mạng lưới đã thu hút 235 thành viên, bao gồm đại diện từ các cơ quan nhà nước, hiệp hội, DN, cá nhân và các tổ chức xã hội. Cục xây dựng thí điểm cơ sở dữ liệu về ranh giới rừng đáp ứng yêu cầu EUDR; đồng thời, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng quy định của EUDR trong lĩnh vực lâm nghiệp; xây dựng hướng dẫn tạm thời thích ứng với EUDR cho ngành hàng gỗ, sản phẩm gỗ và sẽ được ban hành trong tháng 12 này.
GS-TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, cho rằng đáp ứng các tiêu chuẩn EUDR là bước đi quan trọng nhằm xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp của Việt Nam. Từ đó, các DN trong ngành đảm bảo tính minh bạch về nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh khi tiến vào sân chơi quốc tế.
Doanh nghiệp Đồng Nai cần tích cực chuẩn bị
Tại Đồng Nai, từ năm 1997, tỉnh đã thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện điều này. Do đó, gần 200 ngàn hécta rừng (chiếm khoảng 1/3 diện tích đất tự nhiên) của Đồng Nai đã được bảo vệ nghiêm ngặt từ đó cho đến nay.
Cùng với bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh cũng có quy mô lớn về ngành chế biến gỗ và lâm sản với khoảng 600 DN chế biến gỗ, trong đó có 180 DN xuất khẩu trực tiếp gỗ và sản phẩm gỗ đi các thị trường khó tính, chủ yếu là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
Doanh nghiệp Đồng Nai đang nỗ lực để xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, bền vững. Trong ảnh: Doanh nghiệp Đồng Nai tham gia Hội chợ Máy và nguyên liệu gỗ quốc tế Bình Dương 2024.
Ngoài gỗ nhập khẩu từ nước ngoài và thu mua từ các địa phương khác, Đồng Nai có vùng nguyên liệu rừng trồng lớn với khoảng 18 ngàn hécta rừng gỗ keo, trong đó có 10 ngàn hécta đã có chứng chỉ FSC (quản lý rừng có trách nhiệm). Còn lại là diện tích rừng của các hộ với quy mô nhỏ lẻ, chưa hình thành được chuỗi cung ứng bền vững. Sản lượng gỗ từ các hộ lại là nguồn cung cấp chính cho sản xuất gỗ ván ép, gỗ dăm, viên nén để xuất khẩu.
Phó giám đốc Sở NNPTNT Lê Văn Gọi cho hay, trước yêu cầu ngày càng cao về chuẩn nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, Đồng Nai đã nỗ lực hỗ trợ, hợp tác cùng các DN trên địa bàn xây dựng vùng rừng nguyên liệu có chứng chỉ hợp pháp. Về lâu dài, Việt Nam cần có định hướng chiến lược nhằm đẩy mạnh xúc tiến chuỗi cung ứng rừng nguyên liệu có chứng chỉ. Từ đó có giải pháp kết nối giữa người mua - người bán; xúc tiến hợp tác công tư hiệu quả; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ về giống, kỹ thuật, tài chính...
Về phía DN, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai có các nhà máy chế biến gỗ. Ngoài 18 ngàn hécta gỗ keo nguyên liệu nêu trên thì 34 ngàn hécta cao su của công ty, trong đó hàng năm có số lượng khá lớn đến tuổi thanh lý, sẽ là nguồn cung cấp gỗ cho các cơ sở sản xuất.
Phó trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai Lê Thanh Pháp chia sẻ, đơn vị đã hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững cho toàn bộ diện tích. 4 nông trường của công ty đã đạt chứng chỉ PEFC CoC (tiêu chuẩn dành cho các sản phẩm từ rừng như gỗ, giấy có chứng nhận theo chuỗi hành trình sản phẩm) với khoảng 11 ngàn hécta. Cao su Đồng Nai xây dựng 2 hệ thống kỹ thuật riêng để giúp đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng và đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới thân thiện môi trường.
Văn Gia
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202412/gap-rut-chuan-bi-thich-ung-voi-luat-chong-pha-rung-cua-eu-2fb73f5/