Hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng
Dự án Thủy điện Bản Vẽ được đầu tư, xây dựng tại xã Yên Na (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) với mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Đây cũng được xem là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung, được ngăn dòng, khởi công vào năm 2005. Đến tháng 4 và tháng 5/2010, lần lượt 2 tổ máy của Nhà máy thủy điện Bản Vẽ lần lượt hòa lưới điện quốc gia cho sản lượng điện trung bình hàng năm đạt 1.012 triệu kWh.
Tuy nhiên, từ khi đi vào vận hành, nhà máy thủy điện này cũng đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân vùng ảnh hưởng của dự án. Chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp để giải quyết các vấn đề trên.
Chủ đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ cũng đã bố trí 51 tỷ đồng để hỗ trợ tái định cư bổ sung. Trong đó, mức chi trên địa bàn huyện Tương Dương hơn 30,6 tỷ đồng để đầu tư bổ sung các hạng mục hạ tầng của khu tái định cư tại cụm Xốp Vi, bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh cho 69 hộ bổ sung (gồm đường giao thông ngoại bản, đường giao thông nội bản, cầu Khe Pông, hệ thống nước sinh hoạt, san nền nhà ở hộ dân).
Một góc Thủy điện Bản Vẽ. Ảnh minh họa
Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới khu tái định cư tại Bản Vẽ để di dời 19 hộ Khe Ò; Khe Chống ra khỏi vùng sạt lở (gồm đường giao thông nội khu, kè chắn đất chống sạt lở, rãnh thoát nước nội khu, hệ thống cấp điện).
Còn mức chi tại huyện Thanh Chương là hơn 20 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, sân vận động và chợ nông thôn tại 2 xã tái định cư Ngọc Lâm, Thanh Sơn. Riêng xã Ngọc Lâm được xây thêm 1 nhà văn hóa bản. Đây là các xã tái định cư đồng bào từ các địa phương của Tương Dương phải di dời để xây dựng thủy điện Bản Vẽ.
Gấp rút giải quyết tồn đọng trước khi bỏ cấp huyện
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn nhất trên địa bàn Nghệ An, cũng như khu vực Bắc Trung Bộ có công suất 320MW, đập chính đặt tại Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương.
Trước thực trạng vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thiệt hại do mưa bão của người dân vùng Dự án Thủy điện Bản Vẽ và vùng bị ảnh hưởng của dự án; UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Sở Công Thương làm cơ quan thường trực để làm việc kiến nghị với Chính phủ; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc.
“Để nhanh chóng giải quyết các tồn đọng tại Thủy điện Bản Vẽ trước khi không tổ chức cấp huyện, Sở Công Thương Nghệ An đề nghị các địa phương liên quan tập trung xử lý ngay khi nguồn vốn đã được bố trí; tránh gặp khó khăn về thẩm quyền, hồ sơ, tổ chức thực hiện khi không còn chính quyền cấp huyện, mà chuyển giao về các xã mới. Đồng thời cần nhanh chóng giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án”, ông Hóa chia sẻ thêm.
Trong thời gian tới, đoàn công tác của lãnh đạo UBND tỉnh sẽ về các địa phương liên quan làm việc nhằm nắm bắt tình hình để đôn đốc, chỉ đạo xử lý rốt ráo nội dung này.
Dự án Thủy điện Bản Vẽ được đầu tư, xây dựng tại xã Yên Na với mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng.
Còn ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ (chủ đầu tư dự án) cho biết, đến nay, chủ đầu tư dự án Thủy điện Bản Vẽ đã bố trí 51 tỷ đồng để hỗ trợ tái định cư bổ sung, trong đó, mức chi trên địa bàn huyện Tương Dương là 30,6 tỷ đồng; huyện Thanh Chương là 20 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục. Trong tuần tới, Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ sẽ tiếp tục làm việc với hai huyện để thống nhất một số nội dung và đôn đốc triển khai các hạng mục.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Đinh Hồng Vinh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, các tồn tại, vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư Thủy điện Bản Vẽ đã kéo dài nhiều năm qua, với nhiều nhóm vấn đề vướng mắc khác nhau. Trong đó, có những vấn đề huyện và tỉnh không có thẩm quyền giải quyết, phụ thuộc vào bộ, ngành trung ương.
Tại huyện Tương Dương, hiện nay, các đơn vị đã thống nhất chủ trương để tiến hành xây dựng hạ tầng của khu tái định cư tại cụm Xốp Vi, bản Xốp Cháo của xã Lượng Minh và khu tái định cư tại Bản Vẽ.
Dự kiến đến khi kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện, cũng mới chỉ hoàn thành xong các bước thiết kế xây dựng. Huyện sẽ đôn đốc triển khai kịp thời, trách nhiệm, đến khi không còn cấp huyện thì sẽ chuyển dự án về chủ đầu tư là các xã.
Việc khẩn trương giải quyết những tồn đọng tại Thủy điện Bản Vẽ không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu về mặt hành chính khi có thay đổi cấp huyện, mà còn thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm với cuộc sống của người dân vùng tái định cư. Mong rằng với sự đồng lòng của chính quyền, các cơ quan liên quan, chủ đầu tư và Sở Công Thương Nghệ An, những khó khăn còn lại sẽ sớm được tháo gỡ, để người dân yên tâm ổn định cuộc sống, tiếp tục gắn bó và phát triển trên vùng đất mới.
Quốc Huy - Hải Yến