Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý II/2025 tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Việt Linh.
Tăng trưởng GDP 6 tháng cao nhất trong vòng 15 năm
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020 - 2025. Tính chung GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011.
Mức tăng trưởng ấn tượng này bao gồm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89%, đóng góp 5,19% vào tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh 8,97%, đóng góp 43,63%; khu vực dịch vụ tăng 8,46%, chiếm tới 51,18% tổng mức tăng giá trị của toàn nền kinh tế.
Lý giải cho sự tăng trưởng ấn tượng này, Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, yếu tố then chốt đến từ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị. “Trong nước, với quyết tâm cao nhất để huy động và khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong một thời gian ngắn, cả hệ thống chính trị đã tập trung hoàn thành khối lượng công việc rất lớn” - bà Hương nói.
Những nỗ lực này được thể hiện qua hàng loạt các hành động cụ thể và mang tính đột phá. “Cùng với việc theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra. Kết quả là kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 của nước ta đạt được kết quả rất tích cực, tiệm cận mục tiêu đề ra” - bà Hương cho biết.
Cũng theo Cục Thống kê, thị trường doanh nghiệp sôi động trở lại. Riêng tháng 6, cả nước có hơn 24.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng tới 61% so với tháng trước và hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả nước cũng đón 14.400 doanh nghiệp quay lại hoạt động.
Tính trong 6 tháng, đã có hơn 152.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 27% so với cùng kỳ năm 2024, bình quân mỗi tháng có khoảng 25.500 doanh nghiệp gia nhập thị trường. Ngược lại, số doanh nghiệp rút lui đạt 127.200 (+16%), tương ứng gần 21.200 doanh nghiệp rút lui mỗi tháng.
Dòng vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đến ngày 30/6 đạt 21,52 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8% và cũng là mức cao nhất trong 5 năm qua.
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tăng vọt. Trong 6 tháng, có 86 dự án đầu tư mới được cấp phép với tổng vốn 357,7 triệu USD, gấp 3 lần cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 18 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng mức tăng thêm 129,4 triệu USD, gấp 7 lần. Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài đạt 487,1 triệu USD, tăng gấp 3,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2024.
6 tháng đầu năm, Việt Nam ước tính xuất siêu 7,63 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (12,15 tỷ USD). Tổng kim ngạch thương mại là 432 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng 14,4-17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cục trưởng Nguyễn Thị Hương cũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý II/2025 tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu do nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung, nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
3 kịch bản dự báo thuế đối ứng
Cũng tại buổi họp báo, ông Lê Trung Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Thống kê đã chia sẻ một số đánh giá phân tích về tác động của thuế đối ứng từ Hoa Kỳ đến tăng trưởng GDP, dựa trên các kịch bản khác nhau. Cục Thống kê đưa ra kịch bản đầu tiên với mức thuế đối ứng áp trung bình 10% đối với toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thì tác động tăng thuế bình quân tăng thêm chỉ là 0,6 điểm phần trăm và kéo theo giá hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ tăng lên tương ứng.
Theo tính toán của Cục Thống kê, mức tăng thuế này sẽ khiến giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng Hoa Kỳ tăng khoảng 0,5%. Trong kinh tế học, khi giá tăng - lượng cầu sẽ giảm. Mức độ giảm phụ thuộc vào một chỉ số quan trọng là "hệ số co giãn của cầu theo giá". Phân tích của Cục Thống kê đã xem xét hai giả định về hệ số co giãn này.
Giả định hệ số co giãn bằng 1 (tức là giá tăng 1% thì lượng cầu giảm đúng 1%), ông Hiếu cho biết lượng cầu hàng hóa Việt Nam sẽ giảm khoảng 0,5%, tương đương với việc trị giá xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sụt giảm 0,5%.
Bên cạnh đó, giả định hệ số co giãn bằng 1,2 (trường hợp người tiêu dùng nhạy cảm hơn với giá cả), ông Hiếu cho hay lượng cầu sẽ giảm khoảng 0,6%, theo đó ước tính GDP sẽ giảm khoảng 0,05 điểm phần trăm.
Kịch bản thứ hai, với việc Hoa Kỳ quyết định áp một mức thuế trung bình 15%. Theo ông Hiếu, khi mức thuế đối ứng trung bình được nâng lên 15%, mức tăng thuế bình quân so với hiện tại sẽ là 5,6 điểm phần trăm (từ 9,4% lên 15%).
Kịch bản thứ ba, mức thuế đối ứng 20%, giá bán lẻ tại thị trường Hoa Kỳ được dự báo sẽ tăng khoảng 9,7%.
Ông Hiếu lưu ý các kịch bản đánh giá tác động trên cơ sở các điều kiện, giả thiết điều kiện hệ số co giãn trong khoảng từ 1-1,2%. Cuối cùng giả thiết không có sự tác động tăng thêm hay mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông, làm 5.024 người chết và 6.087 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 27,1%; số người chết giảm 8,5% và số người bị thương giảm 34,9%.
K.Huệ